Đà Nẵng - Địa phương đầu tiên công bố lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn!

Chủ nhật, 04/09/2022, 13:30 GMT+7

Chiều 26/8, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo "Công bố, chia sẻ lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại thành phố Đà Nẵng".

Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP tại Việt Nam), thành phố Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng lộ trình phát triển và thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại thành phố Đà Nẵng được cập nhật trên cơ sở tiếp thu các văn bản liên quan gắn với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bổ sung bài học kinh nghiệm từ thử nghiệm chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, nhận thức tầm quan trọng của hệ thống thu gom rác phi chính thống trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn của thành phố Đà Nẵng.

kinh tế tuần hoàn

Theo lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, trong giai đoạn 2022 - 2030, ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn của 7 lĩnh vực, gồm: Quản lý chất thải rắn; nguyên liệu; năng lượng; khu công nghiệp sinh thái; tuần hoàn lương thực thực phẩm; tuần hoàn nước; công dân tiêu dùng xanh.

Lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045 được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 2022 - 2025, khởi động lộ trình với các hoạt động trọng tâm là tuyên truyền, thử nghiệm một số mô hình kinh tế tuần hoàn đơn giản. Giai đoạn 2025 - 2030, triển khai các dự án thí điểm trong các lĩnh vực ưu tiên (7 lĩnh vực ưu tiên) để thấy mức độ ảnh hưởng, lan tỏa khi áp dụng kinh tế tuần hoàn. Từ sau năm 2030, kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng chủ đạo; nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, mục tiêu đến cuối năm 2045 thành phố cơ bản đạt được các tiêu chí của một thành phố tuần hoàn.

Với lộ trình trên, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được 2 - 3 khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia; tăng tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm của thành phố đạt trên 20%; 100% sản phẩm của thành phố Đà Nẵng được dán nhãn sinh thái; mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với GRDP đạt mức giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt 30%; xây dựng được 2 nhà máy tái chế, compost; tạo ra việc làm cho 3.200 - 3.500 người/năm từ các hoạt động dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn…

Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc