Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu. Theo đó, phần lớn tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải sẽ dùng hỗ trợ các địa phương thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Theo lãnh đạo Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia, cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) đã quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu một số sản phẩm, hàng hoá chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải. Hiện nay, Bộ TN&MT đang hoàn thiện và sớm ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính này.
Theo dự thảo Quy chế, phần lớn số tiền này sẽ dùng hỗ trợ các địa phương thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Cụ thể, đối tượng được hỗ trợ là cơ quan, tổ chức được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ủy quyền hoặc giao làm chủ đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (dự án).
Trong đó, các dự án được hỗ trợ gồm: Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp hệ thống lưu giữ, trung chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có quy mô từ cấp liên xã trở lên; Dự án xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có quy mô từ cấp liên xã trở lên; Dự án đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quy mô từ cấp liên xã trở lên;
Dự án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ hộ gia đình, cá nhân có quy mô từ cấp liên xã trở lên; Dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt các điểm lưu giữ, bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tự phát và các khu vực công cộng bị ô nhiễm môi trường có quy mô từ cấp liên xã trở lên; Dự án thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật có quy mô từ cấp liên xã trở lên.
Để được hỗ trợ, các dự án trên phải đáp ứng các điều kiện như: Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt/bao bì thuốc bảo vệ thực vật của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Có văn bản xác nhận của UBND tỉnh nơi thực hiện dự án về kinh phí đề nghị hỗ trợ chưa được bố trí từ các nguồn vốn khác. Đồng thời, phù hợp với các tiêu chí, ưu tiên do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố…
Dự án đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt liên xã trở lên được hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện.
Cũng theo dự thảo, các dự án đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp hệ thống lưu giữ, trung chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có quy mô từ cấp liên xã trở lên; Dự án xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có quy mô từ cấp liên xã trở lên; Dự án đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quy mô từ cấp liên xã trở lên mức hỗ trợ tối đa là 100% kinh phí thực hiện (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư).
Các dự án còn lại mức hỗ trợ tối đa là 100% chi phí trực tiếp cho các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt/ và bao bì thuốc bảo vệ thực vật (không bao gồm chi phí đầu tư, xây dựng công trình, cơ sở xử lý chất thải).
Về thủ tục hỗ trợ, trước ngày 30/9 hằng năm, Hội đồng EPR quốc gia đề xuất Bộ TN&MT công bố công khai tiêu chí, ưu tiên hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt/bao bì thuốc bảo vệ thực vật của năm tiếp theo. Chủ dự án lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo mẫu gửi về Bộ trước ngày 30/10 hằng năm.
Hội đồng EPR quốc gia thẩm định, biểu quyết thông qua đề nghị hỗ trợ trình Bộ TN&MT phê duyệt kết quả thẩm định và danh sách đề nghị hỗ trợ được lựa chọn hỗ trợ trước ngày 31/12 hằng năm.
Cũng theo dự thảo, chủ dự án được tạm ứng kinh phí theo hợp đồng thực hiện dự án; việc giải ngân thanh toán theo khối lượng hoàn thành và thời hạn giải ngân không quá 24 tháng hoặc 36 tháng tùy từng dự án.
Chủ dự án lập quyết toán kinh phí thực hiện dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo quy định của pháp luật. Cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án là cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành thực hiện theo quy định của pháp luật…
Nguồn: Cổng thông tin Bộ Tài Nguyên và Môi trường, "Cơ chế hỗ trợ địa phương thực hiện dự án xử lý chất thải rắn", đăng ngày 26/04/2024, xem tại link: https://monre.gov.vn/Pages/co-che-ho-tro-dia-phuong-thuc-hien-du-an-xu-ly-chat-thai-ran.aspx, truy cập ngày 18/06/2024.