Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày

Thứ 7, 05/08/2023, 08:14 GMT+7

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, ngày 31/07/2023, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023” với chủ đề Chủ đề: Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì Hội nghị.

gỗ, dệt may và da giày

Quan cảnh hội nghị

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là sự kiện xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022. Đến nay, hội nghị đã ghi nhận những phản hồi tích cực cùng sự quan tâm của đông đảo hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Tại kỳ Hội nghị tháng 7/2023, Hội nghị thu hút 400 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đăng ký tham dự.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Xúc tiến thương mại tiếp tục được xác định là 1 trong giải pháp quan trọng

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chủ lực như: dệt may, da giày, đồ gỗ… trước đây luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định.

Tuy vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động và ảnh hưởng sâu đến sự ổn định toàn cầu mà nổi lên trong đó là cuộc xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine; trong khi đó hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài dẫn tới hệ luỵ làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, tổng cầu thế giới giảm sút; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng do đây là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như may mặc, da giày, đồ gỗ…

Ở trong nước, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, chúng ta có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nước ta là nền kinh tế đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, hội nhập sâu với thế giới, có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trình độ khoa học, công nghệ còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao nên chịu tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, dù Việt Nam được đánh giá có lợi thế thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế các hiệp định thương mại tự do, tuy nhiên rất nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tận dụng được cơ hội này.

gỗ, dệt may và da giày

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị

Giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành cùng với các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. "Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại"- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 7/2023 ước tính xuất siêu 2,15 tỷ USD.

Hiện nay, nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất, cụ thể 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu dệt, may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu giày, dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1 so với cùng kỳ.

"Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức đặt ra cho ngành Công Thương, công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu"- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Vì vậy, tại Hội nghị giao, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các đại biểu cùng trao đổi nhìn nhận lại các kết quả đã thực hiện trong 7 tháng đầu năm, đúc rút kinh nghiệm, từ đó bàn về giải pháp, các nhiệm vụ chúng ta cần làm và cần nỗ lực để hỗ trợ tốt hơn, hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu. Cùng với đó, các địa phương, hiệp hội nêu các ý kiến đề xuất với Bộ Công Thương, với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài về các giải pháp liên quan đến xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về thị trường cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ...

Đối với các cơ quan thương vụ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị cung cấp các thông tin cập nhật về thị trường xuất nhập khẩu, các khuyến nghị đối với doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, tiếp thu các ý kiến của Hiệp hội, địa phương để có kế hoạch hỗ trợ công tác thị trường thiết thực hơn, sát với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của ngành công thương được Chính phủ giao tại các nghị Nghị quyết mới đây của Chính phủ (Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 8/7/2023, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương...).

gỗ, dệt may và da giày

Đại diện các Thương vụ Việt Nam

Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra 

Tại Hội nghị, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, CHLB Đức, Canada,  Brazil, Chile, Trung Quốc, Ấn Độ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) thông tin về tình hình thị trường nước ngoài và các kế hoạch, biện pháp chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày Việt Nam.

Thông tin về những chính sách mới tại nước sở tại, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng … với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU.

Chẳng hạn như với da giày, đại diện các doanh nghiệp da giày EU, khâu tạo ra nhiều carbon trong sản xuất da giày là từ điện (sẽ bị áp dụng carbon gián tiếp từ sau năm 2023). Do vậy, các doanh nghiệp da giày EU đang vận động doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam có cơ chế chuyển đổi năng lượng (như lắp tấm điện mặt trời tại các nhà xưởng.

Với dệt may, EU đã đề ra chiến lược cho ngành dệt may bằng cách sẽ đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn trong hàng dệt may. EU cũng đang xem xét việc giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trên toàn EU đối với hàng may mặc...

 “Với các quy định này, điều đáng lo ngại với doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ là khó xuất khẩu bằng chính thương hiệu của doanh nghiệp do phía EU đòi hỏi phải có chuỗi thu mua, xử lý sản phẩm để tái chế”, ông Trần Ngọc Quân cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Quân Hiệp định EVFTA giúp các ngành hàng dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam tăng xuất khẩu vào EU. Để tận dụng được các ưu thế này, đáp ứng quy tắc xuất xứ là rất quan trọng. Mặt khác, EU đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp trong nước cần chuyển đổi bởi khi các quy định đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu của doanh nghiệp. “Thương vụ Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia các hội chợ triển lãm, tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, mở rộng cơ hội xuất khẩu tại EU”, ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu tiềm năng của các sản phẩm, gỗ, dệt may, da giày, tuy nhiên gần đây hoạt động này đang sụt giảm tương đối lớn, ông Đỗ Mạnh Quyền – Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân để khắc phục, lấy lại đà tăng trưởng. Doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh trong nước, xác định rõ thị trường và sản phẩm, tìm hiểu quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường lớn như Hoa Kỳ; cải thiện chất lượng hoá cũng như công nghệ sản xuất.

Để phát triển thị trường, doanh nghiệp ngành hàng cần ngoài tìm kênh phân phối lớn, cần tìm đến các thị trường ngách, bởi các nhà phân phối lớn có trở ngại là khi giảm các nhu cầu thì họ sẽ ngắt kết nối khiến cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp bị đứt gãy. Đặc biệt, khi xúc tiến thương mại nên tìm đến các doanh nghiệp, người địa phương, ký kết hợp đồng tư vấn để tìm được thị trường ngách, giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ.

Đối với thị trường Brazil, dù có những ảnh hưởng nhất định tới sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tuy vậy Brazil là thị có nhu cầu lớn và tương đối dễ tính, không quá khắt khe và thị hiếu người dân rất đa dạng. Tuy nhiên, trở ngại là khó khăn do chi phí logisitics, các phương tiện vận chuyển chưa thuận lợi để kết nối người dân hai nước, cũng như Logistics chưa đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hai bên. Sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các đối thủ xuất khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore. Các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội phần nào còn chủ quan, chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong công tác mở rộng thị trường và bảo vệ thị trường trong nước, thị trường truyền thống.

Do đó, để hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm gỗ, dệt may, da giày sang thị trường này cần triển khai trao đổi đoàn các cấp, Bộ Công Thương cần đề xuất Chính phủ có chủ trương mở đường bay kết nối với Sao Paulo, Brazil, vì đây là cữa ngỏ giao dịch lớn nhất của khu vực Nam Mỹ. Theo đó, các cơ quan trong nước, nhất là Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp tham dự các Hội chợ và các hội nghị xúc tiến hàng hóa khác tại địa bàn; các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp làm tốt hơn nữa trong xây dựng thương hiệu uy tín, với chất lượng luôn được nâng cao và giá cả cạnh tranh. 

Cũng tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội (Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội dệt may Việt Nam) cũng thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến nhu cầu tiêu thụ và thúc đẩy xúc tiến thương mại các mặt hàng đồ gỗ, dệt may, da giày Việt Nam.

Những giải pháp trọng tâm

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, bối cảnh cho xuất nhập khẩu nói riêng, phát triển kinh tế nói chung còn nhiều khó khăn, nhưng đã dần có dấu hiệu cải thiện.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng được những cơ hội hiếm hoi, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, đánh giá chính sách nước sở tại, từ đó kịp thời tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương; đưa ra khuyến cáo giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; tiếp nhận các ý kiến đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp, địa phương để có kế hoạch hỗ trợ hiệp hội, địa phương trong công tác phát triển thị trường. 

Thương vụ phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu chú trọng nghiên cứu, phân tích chính sách, kịp thời đề xuất, khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan cho hàng khóa xuất khẩu. Phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời hướng dẫn, định hướng thị trường, mặt hàng xuất, nhập khẩu, nhất là ở các thị trường trọng điểm, tạo điều kiện cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp; phối hợp với các cơ quan liên quan, có hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cục Xúc tiến thương mại tăng cường phối hợp với các vụ thị trường ngoài nước, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin và dự báo xu hướng thị trường; tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn, xúc tiến thương mại cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.

Với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị: Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị, chủ động chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường đặc biệt chuyển đổi xuất khẩu xanh, bền vững; tập trung cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp thực hiện có hiệu quả. Các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của các thị trường ngoài nước.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 7 đồng thời cũng là Hội nghị tháng đầu tiên của Quý III với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Sau Hội nghị này, với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT)

Ý kiến bạn đọc