Chung tay giảm thiểu sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các siêu thị và trung tâm thương mại

Thứ 4, 30/08/2023, 09:11 GMT+7

Ngày 25/8/2023, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Chính sách giảm thiểu, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các siêu thị và trung tâm thương mại”.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Đỗ Phương Dung – Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành Công Thương đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua. Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, nhưng năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021.

Giảm thiểu sản phẩm nhựa sử dụng một lần

Bà Đỗ Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục ATMT phát biểu khai mạc Hội thảo

Theo bà Đỗ Phương Dung, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức tăng hàng năm từ 16 - 18%/năm. Trong năm 2022, sản lượng nhựa đạt 9,54 triệu tấn, với 3.300 doanh nghiệp nhựa và 250.000 người lao động. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhựa ở Việt Nam liên tục tăng, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người gia tăng nhanh chóng ở mức 10,6% mỗi năm…Tuy nhiên, kéo theo đó là sự gia tăng, phát sinh của rác thải nhựa.

Theo báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh là 2,9 triệu tấn và có tốc độ gia tăng khoảng 5%/năm. Tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn nhưng chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn, trong đó một phần lớn đến từ sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Để giải quyết vấn đề này, theo Lãnh đạo Cục ATMT, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu

Hội thảo “Chính sách giảm thiểu, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các siêu thị và trung tâm thương mại” nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động, các nhà quản lý trong công tác bảo vệ môi trường cùng chung tay thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống, thúc đẩy việc sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng và tuần hoàn chất thải nhựa.

Hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các siêu thị và trung tâm thương mại hiện nay; Đánh giá tổng quan về ngành nhựa, tái chế nhựa liên quan các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; Đồng thời thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định về hạn chế, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các siêu thị và trung tâm thương mại hiện nay. Từ đó đề xuất các chính sách, quy định pháp luật về giảm thiểu, hạn chế sử dụng và thải bỏ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ở Việt Nam cũng như các yêu cầu về hội nhập trong giai đoạn tới.

Hội thảo có sự tham dự các đại biểu đến Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương); Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam; một số doanh nghiệp quản lý siêu thị, trung tâm thương mại…

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Ý kiến bạn đọc