EPR là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất với bao bì và sản phẩm thải bỏ. Đây vừa là quy định của pháp luật, vừa là chứng chỉ xanh để doanh nghiệp (DN) tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi về quy định EPR tại Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh năm 2024.
EPR là giải pháp để chuyển nền kinh tế từ nâu sang xanh. Trong đó, việc phân loại, thu gom và tái chế bao bì giúp DN tạo ra sản phẩm mới, đồng thời giảm phát thải ra môi trường.
Đối với trách nhiệm tái chế, DN có quyền lựa chọn một trong 2 phương án là tổ chức tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Còn với trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải thì nhà sản xuất, nhập khẩu các nhóm sản phẩm theo quy định phải có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải. Như vậy, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất không đơn thuần là hoạt động khuyến khích, mà là quy định của pháp luật; DN không thực hiện các trách nhiệm này sẽ bị xử phạt, mức cao nhất có thể lên đến 2 tỷ đồng.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NÐ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ đã quy định về trách nhiệm EPR. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu không chỉ có trách nhiệm với sản phẩm, mà còn có trách nhiệm đối với bao bì của sản phẩm sau sử dụng.
Tham tán thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam Karin Greve cho hay, xây dựng và ban hành cơ chế EPR là nỗ lực tích cực của Chính phủ Việt Nam. Để phát huy hiệu quả của cơ chế này cần tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng về phân loại rác thải tại nguồn. Đối với các DN, cần hình thành mạng lưới cộng sinh để chất thải từ nhà máy sản xuất trở thành nguyên liệu cho cơ sở tái chế, rồi sản phẩm từ cơ sở tái chế lại trở thành bao bì mới cho nhà máy sản xuất. Chính phủ nên có hỗ trợ, ưu đãi để khuyến khích các DN tham gia. Về lâu dài, cần có lộ trình để nâng cao tỷ lệ tái chế bao bì, rác thải áp dụng cho DN với mục tiêu tái chế càng nhiều càng tốt. Đồng thời, thúc đẩy việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm tái chế để tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu phần thải ra môi trường.
Chia sẻ về vấn đề này, Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty TGM Research Greg Laski cho rằng, thực hiện tốt quy định về phân loại rác thải tại nguồn sẽ tạo ra những thay đổi mang tính đột phá về kinh tế, xã hội, môi trường. TGM Research đã có nhiều nghiên cứu để đóng góp cho cộng đồng các dự án, giải pháp phát triển bền vững, trong đó có tái chế chất thải. Các nhà quản lý đừng nản lòng khi DN thực hiện trách nhiệm EPR chậm hoặc chưa đạt kết quả mong đợi. Bởi lẽ, đây là quy định mới và việc thực hiện cần phải có thời gian, có hạ tầng kỹ thuật, công nghệ. Vấn đề quan tâm bước đầu là phải tập trung nâng cao ý thức, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức để người dân, DN biết về quy định, hiểu cách làm, từ đó mới tuân thủ tốt.
Sản xuất tại Công ty CP Thibidi ở Khu công nghiệp Long Đức
Trên thực tế, trước khi quy định EPR có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2025), nhiều DN đã thay đổi mô hình quản trị, đầu tư máy móc công nghệ, nguyên vật liệu để giảm phát thải, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.
Giám đốc Truyền thông và đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Khuất Quang Hưng cho biết, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Nestlé Việt Nam đồng tình với chính sách quy định về EPR của Việt Nam. Nestlé đã chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn từ khâu thiết kế sản phẩm đến việc biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị nhằm bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, Nestlé nỗ lực giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ khâu nguyên liệu đầu vào, chế biến và sản xuất, đến khi sản phẩm được phân phối đến người tiêu dùng và bao bì sau sử dụng.
Còn ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân, cho biết công ty bắt đầu tái chế nhựa vào năm 2020. Những năm đầu, mỗi ngày công ty tái chế 10 tấn nguyên liệu, sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nước ngoài, do chi phí cao hơn sản phẩm nhựa nguyên sinh. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thương mại toàn cầu và đặc biệt là quy định EPR có hiệu lực, nhu cầu sử dụng nhựa tái chế đã tăng lên, công ty có thể sử dụng 180 tấn nguyên liệu/ngày. Cũng theo ông Lê Anh, khó khăn với các DN tái chế hiện nay là tỷ lệ rác thải được phân loại tại nguồn thấp, dẫn đến chất thải có khả năng tái chế không được thu gom triệt để, DN tái chế thiếu nguyên liệu đầu vào; chỉ khoảng 70% rác thải nhựa thu gom tái chế được.
Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Điều hành Tetra Pak Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) Giang Nguyễn cho rằng, nhiều chất thải có khả năng tái chế đang lẫn với chất thải đem đi xử lý nên vừa tốn chi phí, vừa lãng phí tài nguyên. Để thúc đẩy hoạt động tái chế bao bì và sản phẩm thải bỏ, giải pháp hiệu quả nhất là tăng cường công tác phân loại, thu gom chất thải tại nguồn. Chính sách EPR rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, là công cụ để nâng cao nhận thức của người dân và DN với chất thải.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai, "Chứng chỉ xanh cho doanh nghiệp", đăng ngày 14/11/2024, xem tại link: https://www.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=48688&CatId=0, truy cập ngày 16/11/2024