Sự phát triển kinh tế đã khiến tài nguyên nước và các lưu vực sông chịu áp lực lớn về môi trường, nguy cơ ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước luôn hiện hữu. Nhiều giải pháp đã được cơ quan quản lý tài nguyên nước đưa ra nhằm khắc phục những hạn chế này.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, trong thời gian qua, chất lượng nguồn nước các lưu vực sông chính đã và đang dần được kiểm soát về mức độ gia tăng ô nhiễm, đặc biệt là các đoạn sông ô nhiễm nghiêm trọng mức độ ô nhiễm đang dần được cải thiện như sông Cầu tại tỉnh Thái Nguyên, sông Thị Vải tại tỉnh Đồng Nai, sông Đồng Nai tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Để khắc phục, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cho các dòng sông, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, năm 2017 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung triển khai xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, đảm bảo không thu hút công nghệ sản xuất lạc hậu vào Việt Nam. Đây là những căn cứ quan trọng cho việc kiểm soát chất lượng nguồn nước.
Đồng thời với hệ thống chính sách, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3 /ngày đêm trở lên trên phạm vi cả nước; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; lập danh mục các nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt để có giải pháp cải thiện, phục hồi.
Cùng với thanh kiểm tra, việc xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, gây ô nhiễm nguồn nước và công bố công khai các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin, truyền thông để tạo áp lực xã hội đối với hình ảnh của các 168 doanh nghiệp là những biện pháp răn đe có hiệu quả.
Tăng cường đầu tư các trạm quan trắc tự động
Việc tập trung đầu tư hệ thống giám sát các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước theo hướng xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải đã bước đầu phát huy hiệu quả. Qua đó các cơ sở xả nước thải vào nguồn nước, các cơ sở khai thác tài nguyên nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải,... và kết nối vào hệ thống giám sát chung do Nhà nước đầu tư tạo thành một hệ thống thống nhất giữa Trung ương, địa phương và trên từng lưu vực sông.
Đối với hệ thống quan trắc chất lượng nguồn nước, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường nước trên các lưu vực sông, đồng thời, tiếp tục đầu tư mới, nâng cấp các trạm quan trắc đế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước từ cấp Trung ương đến địa phương. Bộ đang tập trung nguồn lực để đầu tư các trạm quan trắc chất lượng nguồn nước tự động kết hợp với sử dụng công nghệ thông tin để kịp thời, chủ động trong việc kiểm soát, xử lý, cũng như kịp thời dự báo, cảnh báo đến người dân khi có các vấn đề ô nhiễm môi trường nước xảy ra.
Đối với nước thải công nghiệp, trong thời gian gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung nguồn lực quản lý, kiểm soát chặt chẽ loại hình nước thải công nghiệp, đặc biệt là nước thải phát sinh từ các KCN. Hiện nay, cả nước có 280 KCN, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có phát sinh chất thải. Hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các KCN đã có chuyển biến tích cực. Trên phạm vi cả nước, đã có 250/280 KCN, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đạt khoảng 89%, trong đó các địa phương có số lượng KCN lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh,... tỷ lệ này đều đạt 100%. Đã có 219/250 KCN lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt tỷ lệ trên 8%.
Nhìn chung, nhiều địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn, một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình thu hút đầu tư thông qua việc lựa chọn những ngành nghề, dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch. Đối với các cơ sở sản xuất, nhà máy riêng lẻ, hầu hết đã và đang được kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước thông qua việc quản lý, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT