Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường

Thứ 5, 13/04/2023, 07:21 GMT+7

Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng có vai trò quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Thực trạng sản xuất vật liệu xây dựng

vật liệu xây dựng bền vững

Đá nguồn vật liệu quan trọng trong phát triển kế cấu hạ tầng giao thông.

Những năm vừa qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở. Giá trị vật liệu xây dựng thường thường chiếm 60 - 70% trong cơ cấu giá thành công trình xây dựng vì vậy chất lượng, giá thành vật liệu xây dựng quyết định rất lớn đến chất lượng và giá thành xây dựng công trình.

Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển vật liệu xây dựng nước ta chịu tác động của các xu thế phát triển vật liệu xây dựng, tiến bộ khoa học - công nghệ của thế giới là tất yếu. Hiện nay, phát triển vật liệu xây dựng của nước ta đã bắt đầu hướng đến áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh kinh tế; chủ động hội nhập quốc tế; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải rắn, phát thải carbon thấp.

vật liệu xây dựng bền vững

Theo đại diện Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành Vật liệu xây dựng trong những năm qua không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng đều có sự chuyển biến tích cực. Các dây chuyền sản xuất theo công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường từng bước được loại bỏ. Các nhà máy mới được đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, nhiều dây chuyền được trang bị mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, trình độ công nghệ đạt ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.

Phát triển vật liệu xây dựng đã từng bước được chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với thời kỳ 10 - 15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới. Số liệu thống kê về công suất thiết kế và sản lượng một số chủng loại vật liệu xây dựng được trình bày trong bảng dưới đây.

Cơ hội và thách thức đối với ngành sản xuất vật liệu xây dựng

Việt Nam đang trên đà phát triển, quá trình đô thị hoá, phát triển kết cấu hạ tầng đang diễn ra nhanh chóng, nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng lớn, tạo ra nhu cầu rất lớn về sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ ở các lĩnh vực khác như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ hoá học đã giúp cho lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng tăng năng suất, giảm chi phí và cho ra đời nhiều vật liệu mới, có tính năng ngày càng cao. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng đầy đủ, hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Hệ thống quản lý về chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng (quy chuẩn, tiêu chuẩn) cũng ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng gặp phải nhiều thách thức đó là: Tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, cần phải có giải pháp, công nghệ để sử dụng nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác; nhiên liệu hoá thạch ngày càng khan hiếm, chi phí cho nhiên liệu, năng lượng ngày một tăng cao; các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính tạo ra các thách thức không nhỏ khiến ngành sản xuất vật liệu xây dựng cần phải có thay đổi mạnh mẽ về công nghệ sản xuất.

Định hướng phát triển vật liệu xây dựng thời gian tới

Với mục tiêu chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/2/2020 Phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Với các quan điểm: Phát triển ngành Vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội; tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý đặc biệt là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng; phân bổ mạng lưới cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên toàn quốc phù hợp với điều kiện về tự nhiên, xã hội của từng vùng miền.

Với các quan điểm nêu trên, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đã định hướng phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; triệt để tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tận dụng tối đa chất thải từ các ngành khác; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm các chỉ số phát thải nhằm bảo vệ môi trường. Để đáp ứng các tiêu chí được định hướng trong Chiến lược, việc lựa chọn công nghệ sản xuất đối với một số chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng sẽ theo hướng sau:

- Sản xuất xi măng: các dây chuyền công suất lớn trên 5.000 tấn/ngày; có hệ thống calciner, sử dụng thiết bị nghiền đứng con lăn thay cho nghiền bi, có hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện; các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng và phát thải thấp;

- Sản xuất vật liệu gốm ốp lát: các dây chuyền công suất lớn, linh hoạt trong thay đổi mẫu mã sản phẩm, các chỉ tiêu tiêu hao nhiên liệu, năng lượng thấp;

- Sản xuất đá ốp lát tự nhiên: Công nghệ khoan, nêm tách, cắt dây kim cương và cưa đĩa, hạn chế tối đa khoan nổ mìn; đối với công nghệ sản xuất đá ốp lát nhân tạo: Xu hướng lựa chọn công nghệ là sản xuất sản phẩm khổ lớn, mức độ tự động hóa cao, sử dụng hệ thống ép, hút chân không để sản phẩm đạt mật độ cao; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin tạo mẫu sản phẩm có tính thẩm mỹ cao;

- Sản xuất sứ vệ sinh: Dây chuyền có khả năng thay đổi mẫu mã linh hoạt, sử dụng khuôn đúc rót thế hệ mới (bằng kim loại) quay vòng nhiều lần; sản xuất với mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu và mức phát thải ra môi trường thấp.

- Sản xuất kính xây dựng: Công nghệ kính nổi sản xuất các sản phẩm khổ lớn; kính cường lực, kính an toàn, kính tiết kiệm năng lượng (kính Low-E, Solar control có hệ số truyền nhiệt U-Value, độ truyền tia UV, hệ số hấp thụ năng lượng mặt trời SHGC thấp). Hướng đến quá trình sản xuất với các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng và phát thải thấp;

- Sản xuất vôi công nghiệp: Công nghệ lò nung có hiệu suất trao đổi nhiệt cao, sử dụng linh hoạt nhiên liệu đốt có giá thành rẻ; có hệ thống thu hồi khí CO2 (sử dụng cho công nghiệp thực phẩm và các ngành khác); dây chuyền sản xuất có các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng và phát thải thấp;

- Sản xuất gạch đất sét nung: Dây chuyền sản xuất có năng suất cao, có khả năng tận dụng nguyên liệu, nhiên liệu chất lượng thấp như đất đồi, phế thải từ các ngành khác; sử dụng lò nung tuy nen di động hoặc tuy nen trần phẳng thông thường;

- Sản xuất vật liệu xây không nung: Dây chuyền sản xuất tấm lớn (tấm tường bê tông rỗng, tấm tường bê tông khí chưng áp và các loại tấm nhẹ khác), sản xuất với năng suất cao, chất lượng ổn định phù hợp với công nghệ thi công nhanh tại công trình; công nghệ cho phép tận dụng tối đa tro, xỉ nhiệt điện và các chất thải rắn thông thường khác trong thành phần sản phẩm;

- Sản xuất cát nhân tạo: Các dây chuyền sử dụng thiết bị nghiền sàng công suất lớn, hiệu quả, có khả năng thay đổi nguyên liệu với mức độ biến đổi về độ cứng rộng, có hệ thống tuần hoàn nước, chi phí sử dụng năng lượng thấp, phát thải bụi thấp;

- Thi công bê tông và sản xuất cấu kiện bê tông: Đối với bê tông thi công tại chỗ, việc lựa chọn công nghệ bê tông phù hợp với công trình cụ thể: Đối với các kết cấu hình ống theo phương đứng (silo, ống khói, tháp cầu, vách thang máy), sử công nghệ cốp pha trượt. Đối với xây dựng đập trọng lực, sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn. Với các kết cấu sàn vượt nhịp lớn sử dụng công nghệ sàn bê tông rỗng 3D. Đối với công tác sửa chữa, gia cường kết cấu, sử dụng các công nghệ bê tông đặc biệt như bê tông tự chảy (SCC), bê tông cốt sợi phân tán, bê tông tính năng cao (HPC) và siêu cao (UHPC). Công tác sản xuất bê tông có xu hướng chuyển dịch sản xuất từ công trường về nhà máy - nơi có điều kiện lao động tốt hơn để nâng cao năng suất, chất lượng cho cấu kiện đồng thời rút ngắn thời gian thi công tại hiện trường.

Nguồn: ximang.vn

Ý kiến bạn đọc