Trong hai ngày 2 và 3-11, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) phối hợp Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học về giải pháp quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế giai đoạn 2022-2030, với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế 19 tỉnh, thành phố phía Bắc, Bắc Trung bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên cùng một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.
Ảnh: Toàn cảnh hội thảo - Nguồn Thông tấn xã Việt Nam
Hội thảo đánh giá những kết quả ngành Y tế các tỉnh, thành phố đã đạt được, đồng thời nhìn nhận thiếu sót, bất cập, khó khăn trong hoạt động quản lý chất thải y tế. Đây là dịp để đại diện các Sở Y tế, cơ sở y tế cùng thảo luận, đưa ra giải pháp hữu hiệu, phù hợp nhằm sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% chất thải (bao gồm cả nước thải, chất thải rắn, khí thải) phát sinh từ các cơ sở y tế đều được thu gom và xử lý đảm bảo đạt yêu cầu về môi trường. Bên cạnh việc phổ biến thông tư, nghị định của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải y tế, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tại Hội thảo, đại diện ngành Y tế các địa phương đã chia sẻ mô hình giảm thiểu chất thải nhựa, mô hình xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong cơ sở y tế…
Thời gian qua, nhận thức của các cơ sở y tế về tầm quan trọng, trách nhiệm quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ cơ sở y tế công lập thực hiện xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu tăng khoảng 40%, môi trường trong các cơ sở y tế sạch và đẹp hơn. Hệ thống xử lý chất thải y tế đã được đầu tư ở 3 tuyến (Trung ương, tỉnh, huyện), đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải y tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, năng lực xử lý chất thải y tế tại tuyến xã còn nhiều hạn chế do chưa được đầu tư đồng bộ, chỉ đáp ứng khoảng 50% so với yêu cầu. Một số cơ sở y tế tại địa phương còn sử dụng lò đốt chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường để xử lý chất thải rắn y tế nguy hại.
Nguồn: Công An Nhân Dân