Chia sẻ mô hình phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải qua cách làm của Đà Nẵng

Thứ 4, 12/04/2023, 09:01 GMT+7

Triển khai quyết định (số 3743/QĐ-UBND ngày 23/11/2021), tiếp nhận dự án “Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) tại thành phố Đà Nẵng”; “Hợp tác chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị của thành phố Yokohama (D-3RYM) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ”, giai đoạn 2, của UBND thành phố Đà Nẵng; sáng nay (29/3/2023), Sở Tài Nguyên – Môi trường thành phố Đà Nẵng đã tổ chức phiên tham vấn kỹ thuật, nhằm hoàn thiện và tối ưu các điều kiện cho lộ trình triển khai.

Chia sẻ mô hình phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải qua cách làm của Đà Nẵng

Ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường thành phố đã chủ trì phiên tham vấn trực tiếp

“Thành công của cả hai dự án không dừng lại ở các kết quả và mục tiêu đề ra trong chu kỳ thực hiện (từ tháng 2/2023 đến tháng 3/2024), mà ý nghĩa sâu xa hơn, chính là tính bền vững và có được mô hình phân loại rác tại nguồn, tái chế rác thải từ thực tiễn để chúng ta tiếp tục nhân rộng lâu dài hơn, với tầm nhìn có tính chiến lược hơn. Cả hai dự án phải đảm bảo các nguyên tắc và quy trình triển khai, bởi đây cũng là uy tín, là hình ảnh của ngành nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung, trong nỗ lực thực hiện thành công mô hình Đà Nẵng – Thành phố Môi trường”, ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường thành phố nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, các Chuyên gia đến từ Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES-Nhật Bản), cũng mong muốn kết quả thu hoạch được từ 2 dự án, sẽ tiếp tục được lồng ghép vào “kế hoạch phát triển bền vững trong tương lai của Đà Nẵng”, được nhân rộng ở nhiều địa phương, trở thành nguồn tài nguyên đầy tiềm năng cho hệ thống tái chế rác thải được phát triển rộng khắp ở Việt Nam.

Được biết, phạm vi thực hiện dự án (giai đoạn 2) và tiếp tục hỗ trợ thực hiện mô hình 3R (trong giai đoạn 1) được tập trung tại địa bàn quận Hải Châu (gồm phường Thạch Thang, phường Thuận Phước, phường Nam Dương và phường Hòa Thuận Tây), quận Thanh Khê (phường Chính Gián, phường Hòa Khuê, phường An Khê).

Với trọng tâm lần này là xây dựng thí điểm mô hình thu gom chất thải thực phẩm (thức ăn thừa); phân loại, thu gom dầu ăn đã qua sử dụng và triển khai điểm MRF (Material Recovery Facility – cơ sở phục hồi nguyên/cơ sở tái sinh vật liệu) kết hợp “ngôi nhà pin”

Thu gom chất thải thực phẩm (thức ăn thừa); phân loại, thu gom dầu ăn đã qua sử dụng, là những nội dung (đã được quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020), sẽ được thực hiện đồng loạt từ 1/1/2025. Và đây là những chất thải được ghi nhận là khá phức tạp trong thu gom, cũng như khó quản lý, kiểm soát (sau thu gom).

Đối với thu gom chất thải thực phẩm (là thức ăn thừa), dự án sẽ thí điểm tổ chức 2 điểm MRF trên tuyến phố (điểm tâm) đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Nam Dương, quận Hải Châu và các hộ kinh doanh ẩm thực, phố Cơm niêu trên đường Nguyễn Tri Phương (và khu vực lân cận, phường Chính Gián, quận Thanh Khê). Đầu ra cho thức ăn thừa sẽ là nguồn đầu vào của thức ăn dùng cho chăn nuôi gia súc. Trong khi đó, dầu ăn đã qua sử dụng sẽ là nguyên liệu (tái chế trong nước, hoặc xuất khẩu để chế biến thành xà-phòng, nước rửa chén, bát, hoặc dầu Biodiesel, còn được gọi là Diesel sinh học (loại nhiên liệu có tính năng tương tự như diesel).

Lãnh đạo UBND phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) cho biết, trước mắt, Phường đã chủ động làm việc và kết nối thành công 20 cơ sở dịch vụ (bao gồm Bếp ăn trường học, nhà hàng, quán ăn), đồng ý cùng tham gia hoạt động trong mạng lưới thu gom dầu ăn đã qua sử dụng.

Đà Nẵng sẽ làm thật chứ không trình diễn

Góp ý cho kế hoạch triển khai các dự án liên quan đến thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải, các ý kiến từ cấp lãnh đạo Sở, Phòng Tài nguyên và Môi trường, đến lãnh dạo UBND các Phường đều chú ý đến “tính thiết thực và bền vững”, kể cả thảo luận kỹ đến phương án triển khai hài hòa … Nếu việc thu gom (đơn cử như thức ăn thừa) đã có đơn vị tư nhân thực hiện rồi, và thực hiện bài bản, sẽ nghĩ đến cách làm “không chồng lấn, không xung đột”. Trường hợp (Nhà nước và Nhân dân) cùng triển khai (thu gom), thì tính đến yếu tố hoàn thiện và tối ưu mô hình thu gom.

Chia sẻ mô hình phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải qua cách làm của Đà Nẵng

Giới thiệu mô hình xe đẩy dùng trong thu gom chất thải rắn để lấy ý kiến tham vấn

Các ý kiến tham gia cũng lưu ý trang thiết bị mà dự án sẽ trang bị cho các bếp ăn, hàng quán ăn, cơ sở dịch vụ theo hướng tiện lợi, sử dụng lâu dài. Theo đó, thùng (vật chứa) chứa dầu ăn sẽ bằng kim loại (hoặc thùng nhựa có khả năng chịu nhiệt), miệng thùng chứa rộng thoáng, dầu ăn sau sử dụng (có nhiệt độ rất cao) vẫn có thể cho ngay vào thùng lưu giữ. Các đại biểu cũng cho ý kiến trang bị xe đẩy dùng trong thu gom chất thải rắn. Ngoài tiện dụng, không làm rơi vãi chất thải, phải có độ bền cao, kết hợp có hộp chứa pin đã qua sử dụng, có cả nơi để người vận hành xe đặt nước uống trong quá trình đưa xe vào khu dân cư thu gom, …

“Bàn đến từng tiểu tiết nhỏ nhặt như vậy là để chúng ta sẽ làm thật, chú ý đến tính hiệu quả, tính thiết thực, tính lâu dài, chứ Đà Nẵng không làm để trình diễn mô hình cho có”, ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường khẳng định.

Các chuyên gia IGES (tham gia họp qua cầu truyền hình) rất hoan nghênh một phiên họp tham vấn với nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi cho những công việc của dự án. Một chuyên gia IGES (ông Yagasa) tham gia thêm rằng: Xe đẩy dùng trong thu gom chất thải rắn, mà các bạn đang thảo luận, cũng nên thuận tiện trong vận hành cho cả người lớn tuổi. Việc thu gom, phân loại chất thải rắn luôn có cả người lớn tuổi trong cộng đồng cùng tham gia, và tham gia rất tích cực. Xe cần thiết kế chắc chắn với vật liệu nhẹ, sẵn có tại Việt Nam, xe được vận hành nhẹ nhàng.

Đà Nẵng cũng là địa phương tiên phong trong thu gom, phân loại rác thải rắn ngay tại nguồn (từ những năm 1990, với mô hình đầu tiên, cũng là phường Nam Dương, quận Hải Châu). Đến nay, đã có nhiều địa phương thực hiện thành công mô hình thu gom, phân loại rác thải rắn, gắn với nỗ lực và tinh thần trách nhiệm (đặc biệt) của Hội Phụ nữ, và nhiều đoàn thể, tổ chức xã hội ở cơ sở.

Chia sẻ mô hình phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải qua cách làm của Đà Nẵng

Chia sẻ mô hình phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải qua cách làm của Đà Nẵng

Hai dự án “Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải – 3R”; “Hợp tác chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị của thành phố Yokohama”, do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ”, nhất định sẽ tạo động lực, điều kiện và chuyển giao thêm kinh nghiệm thu gom, quản lý và xử lý chất thải rắn như một nguồn tài nguyên, để thành phố Đà Nẵng chia sẻ với cả nước mô hình mang lại hiệu quả thiết thực nhất từ thực tiễn, đóng góp cho tầm nhìn khởi động kinh tế tuần hoàn ngay từ cơ sở, ngay từ cộng đồng, với đầu vào là Rác tài nguyên.

Nguồn: tapchidongnama.vn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc