Thời gian qua, giá phân bón, các sản phẩm vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở huyện Cát Tiên gặp nhiều khó khăn. Nhằm kịp thời thích ứng và giảm thiểu tối đa chi phí, bà con nông dân trên địa bàn đã có nhiều giải pháp linh động. Để tránh lạm dụng quá mức các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng phân hữu cơ thay thế sẽ hạn chế những tác động xấu đến môi trường, cũng như hướng đến một nền “nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ” đang được huyện Cát Tiên quan tâm. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2022 Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cát Tiên đã quyết tâm chuyển giao các mô hình ủ phân hữu cơ cho bà con nông dân huyện nhà và đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Qua khảo sát thực trạng sản xuất, đa số người dân chưa khai thác triệt để nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân bón như: Rơm rạ, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt…; từ đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cát Tiên đã phối hợp với Công ty Phương Nam ở khu công nghệ cao TP. Thủ Đức để xây dựng 02 mô hình ủ phân vi sinh (mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm trồng trọt và mô hình ủ chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm vi sinh vật), với 14 hộ tham gia, đây là những hộ dân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp (cây ăn trái, rau chuyên canh) tại địa bàn xã Đức Phổ và xã Quảng Ngãi. Qua thời gian triển khai mô hình, các hộ dân rất phấn khởi đã áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt. Các hộ dân đã được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn 2 cách ủ phân, cụ thể:
Có thể đắp đống, hoặc đào hố để tập trung rác, phân chuồng. Sau đó, rải hoặc pha nước tưới chế phẩm vi sinh lên rác theo từng lớp, đảm bảo độ ẩm đống ủ 70 - 80%, với định mức chế phẩm Padco gói 125 gram xử lý được 300 - 500 kg rác. Sau khi xử lý vi sinh thì phải tủ bạt giữ ẩm để vi sinh vật hoạt động. Ủ được 7 - 10 ngày thì đảo đều từ trong ra ngoài, trên xuống dưới và ủ tiếp 10 - 15 ngày là hoàn thành, có thể lấy phân đưa vào sử dụng (rút ngắn thời gian so với các chế phẩm khác).
Bước 1: Chuẩn bị thùng ủ
Thùng đủ lớn để tích được lượng rác ủ nhất định, tạo điều kiện sinh khối giúp kích hoạt vi sinh vật hoạt động mạnh, dung tích thùng100 - 200 lít, thùng có nắp đậy phía trên để che chắn mưa nắng, xung quanh được khoan lỗ thoát khí, khoảng cách lỗ 30 - 40 cm/lỗ, đường kính lỗ khoan 1 - 1,5 cm. Không nên khoan nhiều lỗ và khoan lỗ to sẽ làm thất thoát nhiệt trong quá trình ủ phân. Phần phía dưới thùng mở cửa sổ có bản lề để lấy phân ra cho dễ dàng. Đáy thùng nên khoan 01 lỗ nhỏ để thoát nước trong quá trình ủ để phòng tích nước tạo điều kiện cho dòi phát triển.
Bước 2: Chuẩn bị thùng và chế phẩm vi sinh men Padco
Thùng xử lý nên được để nơi thuận tiện cho việc tập trung rác và lấy phân sau xử lý. Rác hữu cơ thường đã đủ độ ẩm nếu ngay sau khi thải ra cho ngay vào thùng, nên không cần phải bổ sung thêm ẩm độ (nước). Nếu rác bị khô nên bổ sung thêm nước để bảo đảm độ ẩm cho vi sinh vật hoạt động trước khi cho rác vào thùng. Trước khi cho chế phẩm vi sinh vật cần kiểm tra có đúng chủng loại sản phẩm chế phẩm vi sinh men Padco, bao bì không bị rách, còn hạn sử dụng, đúng đơn vị sản xuất và đơn vị phân phối đảm bảo.
Lưu ý: Khi mở bao bì chế phẩm vi sinh men Padco nếu chưa dùng hết cần phải được buộc chặt miệng bao bì để không khí không thể xâm nhập vào làm chế phẩm dễ bị giảm hoạt lực của vi sinh.
Bước 3: Đưa rác vào thùng xử lý
Rắc 01 lớp mỏng chế phẩm vi sinh men Padco vào đáy bình trước khi cho rác vào. Cho rác vào thùng ủ theo lớp với độ dày mỗi lớp khoảng 10 - 20 cm, tùy vào độ xốp/nén của rác. Rắc chế phẩm vi sinh men Padco gói 125 gram chia đều cho 300 - 500 kg rác thải. Có thể trộn thêm đất bột hoặc pha chế phẩm vào bình để phun/tưới đều đảm bảo đủ lượng men vi sinh cho khối lượng rác. Sau khi cho rác và rắc/phun tưới men Padco vào thùng cần đậy nắp thùng để chống bị nước mưa làm rửa trôi men vi sinh hoặc ánh nắng vào làm khô men vi sinh sẽ hoạt động kém.
* Lưu ý: Nếu rác đã đủ độ ẩm thì không cần bổ sung thêm nước sẽ tạo ra phân có độ ẩm cao gây khó khăn cho việc lấy phân ra và khi bón. Nếu rác khô nên bổ sung thêm nước vừa đủ để cho vi sinh vật hoạt động tốt nhất.
Bước 4: Bổ sung rác, men vi sinh trong quá trình ủ và lấy phân thành phẩm
Có thể bổ sung rác vào thùng hằng ngày, theo dõi độ dày của lớp rác để rắc bổ sung chế phẩm men vi sinh. Sau khi đưa rác vào ủ 7 - 10 ngày, kiểm tra xem nhiệt độ, ẩm độ của rác trong thùng ủ nếu đủ ẩm, nhiệt độ lên cao thì đạt. Nếu thiếu độ ẩm không đảm bảo cho vi sinh vật hoạt động sẽ không lên nhiệt, không đạt yêu cầu cần bổ sung thêm ẩm độ. Sau khi ủ khoảng 3 tuần rác đã thành phân và có thể lấy ra để sử dụng. Căn cứ vào lượng rác và tần suất bổ sung rác để lấy thành phẩm ra sử dụng cho phù hợp.
Với rác dùng để ủ phân là gốc, rễ, thân lá rau, lá cây, cỏ rác ngoài vườn nếu to quá cần được băm nhỏ để vi sinh vật dễ tiếp xúc hoạt động. Lượng rác hằng ngày cũng nên đưa ngay vào thùng để đảm bảo vệ sinh và khi nào đủ độ dầy lớp rác 10 - 20 cm thì bổ sung men vi sinh. Có thể trộn lẫn cả rác, thức ăn thừa hằng ngày, gốc, rễ, thân, lá rau để cùng ủ. Không nên kiểm tra rác ủ hằng ngày sẽ làm mất nhiệt, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của vi sinh vật. Định kỳ 5 -7 ngày kiểm tra 1 lần để bổ sung ẩm độ nếu cần thiết. Thời gian mùa nắng sẽ ngắn hơn mùa mưa, mùa mưa nên để thùng ủ nơi kín gió.
Việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, giúp người nông dân làm giàu ngay chính trên mảnh vườn của mình, đây cũng là những giải pháp của huyện trong thực hiện Quyết định số 2666/QĐ-UBND ngày 20/11/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025. Do đó, trong thời gian tới mô hình ủ phân chuồng hữu cơ của huyện Cát Tiên cần được khuyến khích nhân rộng, góp phần giúp người nông dân tăng lợi nhuận kinh tế gia đình, vừa là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết phế phẩm nông nghiệp, góp phần vượt qua “bão giá” và duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường, cùng địa phương thực hiện nâng cao tiêu chí môi trường trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cát Tiên.
Nguồn: Trung Tâm Khuyến Nông Lâm Đồng