Các quy định về phân loại rác tại nguồn!

Thứ 3, 29/08/2023, 08:30 GMT+7

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân tăng lên cùng chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Nhận thấy rõ yêu cầu bức thiết bảo vệ môi trường thông qua phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã dành 6 điều quy định rõ ràng về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).

Phân loại rác tại nguồn

Rác thải không được phân loại chỉ là rác, rác được phân loại là tài nguyên

Theo điều 75 Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) khác.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH…

Bao bì này là cơ sở quản lý việc phân loại và thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, hộ gia đình, cán nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Nghị định cũng quy định các mức xử phạt cụ thể đối với một số hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư: phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu mẩu tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

Phạt tiền từ 150.000 nghìn đồng đến 250.000 nghìn đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối.         

Như vậy việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn phát sinh thúc đẩy hiệu quả hoạt động tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí xử lý chất thải. Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã quy định việc phân loại và chế tài xử lý hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên chủ trương phân loại rác thải tại nguồn có thành công hay không là còn tùy thuộc vào ý thức của mỗi người dân.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh Nghệ An 

Ý kiến bạn đọc