Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đã triển khai xây dựng mô hình “Bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp”
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn về thời điểm, nồng độ, liều lượng... để bảo vệ cây trồng, bảo vệ mùa màng là một trong những biện pháp quan trọng nhất trong hệ thống các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp cho cây trồng. Tuy nhiên, phần lớn bao bì thuốc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đều được làm từ nhựa, nilon rất khó phân hủy, sau khi sử dụng vẫn còn tồn dư một lượng thuốc BVTV nhất định, bị khuếch tán vào nước tưới, nước mưa và thấm vào mạch nước ngầm, gây ô nhiễm trực tiếp hệ sinh thái. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn còn xem bao bì, vỏ chai đựng thuốc BVTV là một loại rác thải thông thường nên vứt bỏ bừa bãi xuống kênh mương, bờ ruộng, xử lý bằng cách tự đốt hoặc tiêu hủy thủ công.
Bình Thuận có diện tích canh tác lúa hằng năm bình quân khoảng 120.000 ha. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nông dân thường sử dụng BVTV cho cây trồng không chỉ tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, cây trồng và vật nuôi. Từ thực trạng này, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai mô hình “Bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp” cho nhiều địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn trên địa bàn tỉnh.
Cuối tháng 11/2023 Hội Nông dân tỉnh đã bàn giao, lắp đạt 40 bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp cho xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh (20 bể) và xã Mê Pu, xã Đa Kai, huyện Đức Linh (20 bể) với tổng trị giá 100 triệu đồng. Đây sẽ là các mô hình mẫu để Hội Nông dân các xã, các chi Hội có điều kiện học tập, từng bước nhân rộng ra trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung để hướng một cuộc sống khỏe hơn, môi trường xanh, sạch, đẹp và phát triển sản xuất bền vững.
Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận triển khai xây dựng mô hình “Bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp”.
Để mô hình được triển khai hiệu quả, Ban Quản lý mô hình cấp tỉnh cùng Ban Quản lý mô hình cấp xã phối hợp theo dõi triển khai thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, thành lập các tổ thu gom tại địa bàn xã, thị trấn để tập huấn kỹ thuật thực hiện mô hình, các phương thức bảo quản mô hình, quản lý nguồn rác, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV, hướng dẫn giúp đỡ, hỗ trợ tài liệu, xây dựng mô hình điểm.
Cùng với việc quản lý, thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV, Ban Quản lý mô hình còn tổ chức tập huấn, tuyên truyền, vận động, giáo dục hội viên, nông dân tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ cụ thể nhưng mang lại lợi ích lớn như tự thu gom và phân loại rác thải tại gia đình và đổ rác đúng nơi quy định; thu gom vỏ chai, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định.
Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết: Tại các địa phương được triển khai mô hình, Ban Quản lý mô hình đã phấn đấu tuyên truyền, vận động cho 100% hộ hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm bảo vệ môi trường; 100% số hộ trong xã biết đổ rác đúng nơi quy định; 100% hộ trong toàn xã tham gia thực hiện quy chế thu gom rác thải, chất thải của mô hình và 100% khu dân cư trên địa bàn có bể chứa rác thải được thu gom và xử lý hợp vệ sinh. Cùng với đó, hội viên nông dân có ý thức bảo vệ môi trường, duy trì phong trào Ngày chủ nhật xanh- sạch- đẹp, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa...
Trong thời gian tới, để mô hình tiếp tục được nhân rộng và phát huy hiệu quả, các cấp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng và tổ chức thu gom, xử lý bao bì từ các bể chứa theo quy định. Và quan trọng nhất là sự đóng góp của bà con nông dân trong việc huy động nguồn lực và ý thức bảo vệ môi trường, ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc BVTV.
Ngành Nông nghiệp tỉnh hướng tới mục tiêu giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nguy hại đối với hoạt động sản xuất tại các địa phương.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2022-2025, ở lĩnh vực trồng trọt sẽ giảm sử dụng tối thiểu 15% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa; lĩnh vực bảo vệ thực vật, giảm sử dụng tối thiểu 20% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 25% chất thải nhựa… Đồng thời, có 50% nông dân được tập huấn nâng cao nhận thức về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa.
Trong giai đoạn 2026 đến năm 2030, mục tiêu hướng tới việc ở lĩnh vực trồng trọt sẽ giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 20% chất thải nhựa; lĩnh vực bảo vệ thực vật, giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 20% chất thải nhựa. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, giảm sử dụng tối thiểu 50% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 30% chất thải nhựa...
Để thực hiện kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ đánh giá tình hình phát sinh, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa từ các hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản. Mặt khác, áp dụng các quy trình canh tác trong nông nghiệp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa thông qua các biện pháp như giảm sử dụng vật liệu nhựa; tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp thay thế vật liệu nhựa; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong ngành nông nghiệp. Cùng với đó, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Với bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất bằng nhựa sẽ thực hiện thu gom và xử lý theo quy định hiện hành.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Thuận đặt ra mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 43%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 14.000 ha. Phấn đấu đến năm 2050, Bình Thuận có nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Cùng với việc nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Bình Thuận hướng đến phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của sản xuất đến chất lượng môi trường. Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Bình Thuận ưu tiên tập trung đầu tư, phát triển đối với cây trồng chủ lực, quan trọng của tỉnh. tập trung nâng cao chất lượng, hình thành các vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao, vùng thanh long hữu cơ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.
Nguồn: Tạp Chí Điện Tử Thiên Nhiên Và Môi Trường