Bình Định: Giảm phát thải tập trung vào 5 lĩnh vực

Thứ 7, 11/02/2023, 03:16 GMT+7

Thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu, giai đoạn từ nay đến năm 2050, tỉnh Bình Định tập trung giảm phát thải ở 05 lĩnh vực.

Theo kế hoạch hành động của tỉnh Bình Định, đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Các cơ sở trên địa bàn tỉnh có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 2.000 tấn CO2tđ (CO2 tương đương) trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

Đến năm 2050: Mục tiêu của tỉnh là bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Các cơ sở trên địa bàn tỉnh có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 200 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

Theo đó, giảm phát thải khí nhà kính tại Bình Định sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực bao gồm: Lĩnh vực năng lượng; lĩnh vực nông nghiệp; lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất; các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp và lĩnh vực chất thải.

giảm phát thải

Nông nghiệp là một trong 5 lĩnh vực được Bình Định lựa chọn thực hiện giảm phát thải 

Cụ thể, Bình Định sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nghiên cứu phát triển các nhà máy thủy điện nhỏ có chọn lọc, đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; khuyến khích, thu hút đầu tư, nâng công suất các nhà máy điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà, điện gió, điện sinh khối, thủy điện... trên địa bàn tỉnh; tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, thương mại và dân dụng.

Tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, thương mại và dân dụng. Sử dụng hiệu quả năng lượng trong giao thông vận tải thông qua áp dụng các tiêu chuẩn tiêu hao nhiên liệu và định mức phát thải.

1. Đối với lĩnh vực nông nghiệp

Áp dụng các biện pháp tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng phát thải thấp; tái sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt và xử lý chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ, tạo khí sinh học; áp dụng biện pháp bón phân compost và giảm phân hoá học; thay thế phân urê bằng các loại phân bón phát thải thấp...; phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quản lý cây 7 trồng tổng hợp, tăng diện tích canh tác được tưới tiết kiệm, tưới thông minh cho canh tác lúa nước và cây dài ngày; áp dụng các biện pháp quản lý, đổi mới công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi phương thức sử dụng đất, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp phát thải thấp và chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

2. Trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất

Bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có nhằm kiểm soát nghiêm ngặt chuyển đổi rừng, mất rừng và suy thoái rừng để giảm phát thải khí nhà kính; phát triển, nhân rộng các mô hình nông - lâm kết hợp thông qua trồng bổ sung cây lâm nghiệp, cây gỗ để tăng hấp thụ các-bon và chống suy thoái đất, ưu tiên các vùng đất dốc.

3. Với lĩnh vực chất thải

Triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, giảm thiểu phát sinh chất thải từ sản xuất đến tiêu dùng, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất; tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; áp dụng các biện pháp tiên tiến trong xử lý chất thải, nước thải nhằm giảm phát thải khí mê-tan.

4. Trong quá trình công nghiệp

Cải tiến, phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển và sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu xanh trong lĩnh vực nhà ở và thương mại.

5. Sử dụng sản phẩm công nghiệp

Thay than đá bằng khí tự nhiên trong sản xuất gạch ốp lát; sử dụng vật liệu thay thế trong sản xuất kính.

Tích cực áp dụng công nghệ thu giữ các-bon trong các lĩnh vực sản xuất xi măng. Giảm dần sử dụng các môi chất lạnh Hydro-cloro-fluoro-carbon (HCFC) và Hydro-fluoro-carbon (HFC) trong chuỗi lạnh, hệ thống lạnh và điều hòa không khí tòa nhà; nâng cao hiệu quả làm lạnh, giảm nhu cầu làm mát và tiêu hao môi chất lạnh thông qua các giải pháp thiết kế tòa nhà và làm mát thụ động; thúc đẩy việc thu hồi, tái sử dụng, tiêu hủy, tái chế môi chất lạnh và tiến tới sử dụng môi chất lạnh có tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp.

Nguồn: Bộ Tài Nguyên và Môi Trường

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc