Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhằm BVMT trên địa bàn tỉnh nói chung, và KCN, CCN nói riêng, thời gian qua UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường quán triệt trong toàn hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp BVMT theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 23/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về công tác quản lý, BVMT.
Về công tác quản lý môi trường tại Khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN)
Theo đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành chức năng và các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp BVMT, trong đó, cần tập trung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh…;
Tăng cường công tác thống kê, kiểm soát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn, yêu cầu các KCN, CCN có lưu lượng xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động để giám sát theo quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; tổ chức thẩm định hồ sơ, thủ tục về môi trường một cách chặt chẽ, chính xác, có hiệu quả…
Cũng theo Sở TN&MT, nhờ tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp BVMT, nên những năm gần đây, hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh Bà Ria – Vũng Tàu đã có những chuyển biến quan trọng; các nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được kiểm soát tốt. Cụ thể, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 15 KCN được thành lập, tổng diện tích 8.510 ha, trong đó, có 12/15 KCN đã đi vào hoạt động chính thức. Tổng lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 45.000 m3/ngày đêm. Trong đó, tất cả 12 KCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải theo quy định.
Tỉnh cũng có 04 CCN đã đi vào hoạt động, tổng lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 1.350 m3/ngày đêm. Tất cả 04 CCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 01 CCN đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải; 03 CCN còn lại đang được yêu cầu đầu tư theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.
12 KCN trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động nước thải theo quy định.
Đối với việc kiểm soát các nguồn thải khí thải: tính đến nay các cơ sở thuộc loại hình luyện thép, sản xuất giấy, đạm, xi măng, hoá chất…đã đầu tư trạm quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về Trung tâm quản lý của tỉnh để theo dõi, quản lý; các nhà máy phát sinh khí thải đã đầu tư công trình thu gom, xử lý khí thải theo quy định.
Đối với quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại cũng dần đi vào nề nếp, đúng các quy định hiện hành..., trong đó, đối với xử lý chất thải công nghiệp nguy hại, hiện toàn tỉnh cũng có 07 dự án được cấp phép hoạt động theo quy định với tổng công suất xử lý theo giấy phép khoảng 281 tấn/ngày, đáp ứng xử lý được khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh (trung bình khoảng 208 tấn/ngày). Riêng bụi lò luyện thép, tỉnh đã có chủ trương thực hiện Dự án xử lý bụi lò luyện thép của Công ty Zinc Oxide công suất xử lý 100.000 tấn/năm tại KCN Phú Mỹ 3, tại thị xã Phú Mỹ.
Trong năm 2020 tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn quốc gia đạt ước đạt khoảng 95%. Trong đó, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 380 tấn/ngày; bụi lò từ các nhà máy luyện thép khoảng 170 tấn/ngày; CTNH khác 208 tấn/ngày. Tổng chất thải nguy hại được chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý 360 tấn/ngày (bụi lò luyện thép khoảng 170 tấn/ngày; CTNH khác 190 tấn/ngày).Phần chất thải nguy hại còn lại chủ yếu từ các chủ nguồn thải phát sinh khối lượng nhỏ, được thu gom, lưu giữ chờ chuyển giao xử lý.
Nguồn: http://www.monre.gov.vn/