[Tọa đàm] Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh

Thứ 5, 20/02/2025, 04:20 GMT+7

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 19/2, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh”. Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả đến từ cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia kinh tế - môi trường, ngân hàng thương mại cùng đại diện doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất xanh.

Xem thêm:

Quyết định số 232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

Quyết định 687/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam 

kinh tế xanh chuyển đổi xanh

Kinh tế xanh - Xu hướng tất yếu trong phát triển bền vững

Tọa đàm tập trung thảo luận về các tiêu chuẩn xanh trong sản xuất kinh doanh, xu hướng phát triển kinh tế xanh trên toàn cầu và ở Việt Nam, nguồn tài chính xanh và những vướng mắc trong tiến trình chuyển đổi xanh - nhất là vướng mắc liên quan khung pháp lý. Các doanh nghiệp, chuyên gia nhận diện những trụ cột quan trọng của kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, từ đó hình thành hướng đi, giải pháp để triển khai hiệu quả và đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách - Bộ Tài nguyên và Môi trường, kinh tế xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhu cầu phát triển bền vững ngày càng cấp bách. Quá trình chuyển đổi xanh không thể tách rời chuyển đổi số, đồng thời phải được triển khai dựa trên các trụ cột cốt lõi của nền kinh tế xanh.

Một trong những yếu tố quan trọng của kinh tế xanh là tài chính xanh, dựa trên nền tảng thị trường carbon. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xây dựng đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy đầu tư xanh. Điều này giúp doanh nghiệp và người dân chuyển đổi năng lượng hiệu quả hơn, đặc biệt khi năng lượng chiếm tới 73% tổng lượng phát thải của Việt Nam.

Bên cạnh đó, hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững cũng đóng vai trò quan trọng. Quá trình chuyển đổi này bao gồm việc giảm phát thải từ phân bón, thuốc trừ sâu, đồng thời cải tiến các khâu liên quan đến bao bì và thực phẩm – lĩnh vực đang chiếm tới 33% tổng lượng phát thải toàn cầu.

kinh tế xanh chuyển đổi xanh

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM chia sẻ tại tọa đàm

Trong lĩnh vực công nghiệp, chuyển đổi số sẽ hỗ trợ phát triển công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh trên cơ sở giảm thiểu rác thải và đẩy mạnh tái chế. Hạ tầng xanh, giao thông thông minh và quá trình điện khí hóa hệ thống phương tiện công cộng cũng là những yếu tố quan trọng trong mô hình phát triển bền vững.

Việt Nam đang từng bước hoàn thiện thể chế, tăng cường phát triển hạ tầng xanh, tài chính xanh, cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh. Đồng thời, việc xây dựng và phát triển thị trường carbon sẽ tạo nền tảng quan trọng để thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hiện nay, quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% GDP, phần lớn nền kinh tế vẫn dựa vào mô hình phát triển truyền thống (kinh tế nâu). Do đó, quá trình chuyển đổi xanh vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu hóa chi phí và gia tăng năng suất lao động để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra hiệu quả và bền vững.

Về thách thức, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí cao hơn để tuân thủ các quy định mới, đầu tư vào công nghệ xanh, giảm phát thải. Thị trường xuất khẩu có thể bị thu hẹp, thậm chí có nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe.

Về cơ hội, doanh nghiệp nào đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xanh sẽ có lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị thương hiệu, không chỉ dễ dàng tiếp cận thị trường EU và Mỹ mà còn thuận lợi mở rộng sang các thị trường khác.

Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi và nắm bắt các quy định mới liên quan đến phát triển bền vững, không chỉ ở nước ngoài mà cả trong nước. Đồng thời, cần có chiến lược dài hạn, đầu tư bền vững vào phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, và xây dựng hệ thống quản lý nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết, ngành gỗ đã tiên phong trong quá trình chuyển đổi xanh từ rất sớm. Từ năm 2018, ngành này đã tích cực lồng ghép các tiêu chí phát triển bền vững vào chiến lược chung, đặc biệt trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

Dù có nhiều lợi thế, ngành gỗ vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Phần lớn nguyên liệu gỗ được trồng theo quy mô lớn nhưng chưa tham gia sâu vào quản trị chuỗi cung ứng. Ngành gỗ không thể phát triển riêng lẻ mà phải nằm trong một chuỗi liên kết chặt chẽ, từ khâu trồng rừng, khai thác, sản xuất đến phân phối.

Bên cạnh đó, ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ tuy có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản. Một trong những thách thức quan trọng nhất là làm thế nào để chứng minh tính bền vững và thân thiện môi trường của sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây không phải là một nhiệm vụ đơn giản, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ doanh nghiệp.

Chuyển đổi xanh - Xu hướng không thể đảo ngược

Ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng, chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu của thế giới, bất kể vì lý do gì. Trong ngắn hạn, ngành gỗ vẫn phải đối diện với những thách thức liên quan đến chính sách thuế và quy định nhập khẩu. Tuy nhiên, khi các vấn đề này dần được ổn định, phát triển bền vững sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp muốn duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) thông tin, trong hai năm qua, UBND TPHCM phối hợp với HUBA đã tổ chức Giải thưởng Doanh nghiệp Xanh, thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp. Sau hai năm triển khai, khoảng 100 doanh nghiệp đã đạt tiêu chí và được cấp chứng nhận doanh nghiệp xanh TPHCM. Điều này cho thấy xu hướng chuyển đổi xanh không chỉ phát triển mạnh tại thành phố mà còn lan tỏa trên cả nước.

kinh tế xanh chuyển đổi xanh

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM chia sẻ tại tọa đàm

Mặc dù trào lưu chuyển đổi xanh đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đáng suy ngẫm. Hiện nay, khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nhưng phần lớn những doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện chuyển đổi xanh lại là các tập đoàn lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp SME gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, từ tài chính, nguồn nhân lực đến công nghệ và nhận thức.

Một trong những rào cản lớn nhất là vấn đề tài chính. Theo thống kê, khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh. Mặc dù đã có các cơ chế tài chính hỗ trợ nhưng việc đưa nguồn vốn này đến đúng đối tượng vẫn là một bài toán khó. Bên cạnh đó, nhân lực cũng là một yếu tố đáng lo ngại. Chỉ có khoảng 12% doanh nghiệp tại TPHCM sở hữu đội ngũ nhân sự có chuyên môn về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), gây cản trở lớn cho quá trình chuyển đổi.

Công nghệ cũng là một thách thức quan trọng, đặc biệt trong các ngành có mức độ phát thải cao như dệt may. Hiện tại, khoảng 40% thiết bị trong ngành này đã lạc hậu, khiến việc giảm phát thải carbon trở thành một vấn đề nan giải. Trong bối cảnh Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều đối thủ trên thị trường quốc tế, việc nâng cấp công nghệ và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh là điều bắt buộc.

Ngoài ra, nhận thức của doanh nghiệp cũng là một rào cản lớn. Không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi xanh và sẵn sàng đầu tư dài hạn cho quá trình này. Nhiều doanh nghiệp vẫn đặt câu hỏi liệu chuyển đổi xanh có thực sự mang lại lợi ích hay chỉ là một xu hướng ngắn hạn.

Trước những thách thức đó, ông Đinh Hồng Kỳ cho rằng cần có những giải pháp từ Chính phủ và các cơ quan quản lý để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh. Trong hơn một năm qua, đoàn UBND TPHCM đã tham quan và học hỏi từ các mô hình chuyển đổi xanh tại Canada. Một trong những điểm đáng chú ý là tại Toronto, lộ trình hướng tới Net Zero đến năm 2030 được hiển thị theo từng ngày trên màn hình tại tòa thị chính, giúp toàn bộ hệ thống theo dõi và thực hiện các mục tiêu một cách minh bạch, cụ thể.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn xây dựng chính sách. Để chuyển đổi xanh thực sự hiệu quả, cần đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng ngành, nghề và lĩnh vực, đồng thời có chính sách dài hạn để bảo đảm phát triển bền vững. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ đào tạo nhân lực và khuyến khích đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nguồn: Theo Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, "Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh" đăng ngày 19/02/2025, xem tại link https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/chuyen-doi-xanh-tu-ap-luc-den-co-hoi-kinh-doanh-1491934187, truy cập ngày 20/02/2025.

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc