“Chỉ lúc lũ lụt người ta mới thấy nhớ rừng"

Thứ 7, 31/10/2020, 02:47 GMT+7

Đợt mưa lũ lịch sử ở miền Trung nằm ngoài khả năng của toàn bộ hệ thống dự báo và chống chọi của con người. Song, bên cạnh nguyên nhân khách quan, chuyên gia cho rằng có sự tác động của con người khiến hậu quả mưa lũ thêm phức tạp.

 
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), cho rằng chúng ta đang nhắm đến giá trị kinh tế to lớn mà xem nhẹ phát triển bền vững.
 
Hệ quả đã được cảnh báo
 
Ông Huỳnh nhìn nhận mưa lũ lịch sử tại miền Trung là thiên tai không lường trước được. Tuy nhiên, ông cho rằng thiệt hại lớn, mất mát đau thương bắt nguồn từ việc phát triển không bền vững ở miền Trung. Ở đây là phát triển kinh tế làm suy giảm diện tích rừng tự nhiên.
 
"Rừng miền Trung quý giá, quan trọng lắm. Chúng ta làm gì mấy chục năm qua để mất một thảm rừng, có độ che phủ lớn của miền Trung", ông Huỳnh tiếc nuối. Ông nói nếu các thảm rừng nguyên sinh còn thì ngăn chặn được phần nào thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại do sạt lở đất.
 
GS Huy Huỳnh cho hay chuyên gia, nhà khoa học như ông nhiều lần lên tiếng cảnh báo việc cánh rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ ngày càng mất đi. Bên cạnh đó, việc thay thế bằng loại cây có giá trị kinh tế cao gần như không thể bù đắp được giá trị của rừng nguyên sinh do hệ sinh thái, đa dạng sinh học đã bị phá vỡ.
rung54
Mưa lũ đã biến một đoạn quốc lộ 12A sát biên giới tỉnh Quảng Bình thành dòng suối chảy xiết. Ảnh: Duy Hiệu.
 
Việc trồng cây khác khiến nó trở thành rừng đơn loại, tức là độc chỉ có một loại cây và cũng không có tầng, thảm thực vật phong phú. Việc chống lũ lụt, xói mòn cũng gần như không có tác dụng.
 
"Chúng ta quá chủ quan. Chỉ lúc lũ lụt người ta mới thấy nhớ rừng. Đây là bài học cần phải thấy từ sớm chứ không phải để khi xảy ra những cảnh thương tâm như ở miền Trung vừa qua", vị giáo sư ngậm ngùi.
 
Yếu tố địa chất rất bất lợi
 
PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho rằng yếu tố địa chất cũng là nguyên nhân khiến các trận lũ, sạt lở đất ở khu vực miền Trung thêm phần cực đoan.
 
Miền Trung có đặc tính địa hình phân cắt lớn, rất dốc, mưa lũ khi tràn qua địa hình dốc thì trôi nhanh, nguy hiểm hơn so với địa hình bằng phẳng. Khu vực này cũng được các nhà khoa học đánh giá là có tình trạng trượt lở đất phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều khu vực khác của nước ta.
 
Nhiều nghiên cứu chỉ ra khu vực như Huế, Quảng Bình, Quảng Trị là địa hình thường xuyên có tình trạng trượt lở đất do nằm trên một đới đứt gãy vẫn đang hoạt động.
 
Tuy tính chất địa hình phức tạp, nhưng ông Triều cho rằng nhiều người dân vẫn chủ quan, xây cất nhà nơi có nguy cơ cao. Vì thế, trong đợt mưa lũ lớn vừa qua, nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra do sạt lở núi.
 
"Chuyên gia khuyến cáo nhiều về vấn đề này. Họ xây dựng cả bản đồ xác định khu vực nguy cơ trượt lở đất. Nhưng để tìm được vị trí an toàn ở khu vực này gần như không thể", vị chuyên gia nhìn nhận.
ung_1
Hiện trường vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Duy Hiệu.
 
Một yếu tố nữa được ông nhắc đến là đất đá ở khu vực miền Trung bị phong hóa mạnh. Đất đá mềm, vụn hay kiến tạo khe nứt phát triển dẫn đến sạt lở. "Với điều kiện địa chất ở khu vực miền Trung, cộng với mưa lũ lịch sử như vừa rồi thì sạt lở cả quả núi cũng không lạ", vị chuyên gia nhận định.
 
Ông nhấn mạnh đây cũng là khó khăn của người dân miền Trung. Tìm được một khu vực vững chãi, an toàn để xây dựng vô cùng khó.
 
Không thể lấy ngắn nuôi dài
 
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, từ năm 2016 đến năm 2019, diện tích rừng mất đi ở nước ta là 7.283 ha. Mỗi năm trôi qua, Việt Nam mất đi 2.430 ha rừng. Diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
 
Đáng lo hơn, diện tích rừng phòng hộ đang ngày càng suy giảm, thay vào đó là diện tích rừng sản xuất. Nguyên nhân từ việc người dân đốt rừng làm nương rẫy, cho đến trồng loại cây cho giá trị kinh tế cao. Các thảm rừng nguyên sinh, tự nhiên ở miền Trung ngày một thưa thớt.
 
"Chìa khóa ở đây vẫn là phát triển kinh tế bền vững. Rừng tự nhiên không có giá trị kinh tế trước mắt, nhưng nó là nguồn lợi đối với xã hội, là sự bảo vệ mạng sống, tài sản của người dân lâu dài", giáo sư Đặng Huy Huỳnh nói.
 
Theo ông, Nhà nước cần giao các cơ quan ở địa phương tăng cường vai trò giám sát, quản lý chặt chẽ, tái phát triển rừng, đặc biệt là rừng nguyên sinh. Ông đề nghị các dự án đe dọa đến sự phát triển của rừng tự nhiên nên hết sức cân nhắc, tránh việc phát triển kinh tế phải đánh đổi quá nhiều diện tích rừng.
Ý kiến bạn đọc
suncity oxbet bk8 s666 11bet zbet lode88 12bet nbet hb88 kubet77 fcb8 k8 mig8 top88 sbobet vnloto onebox63 vwin bet69 zowin win2888 sun hotlive bet168 ibet888 33win bong99 kubet w88 bong88 m88 vn88 xoso66 vobo88 binh88 jdb666 corona888 kimlong90 hb88g pua88 dd7 8xbet