Định hướng quy hoạch xử lý chất thải rắn tại TPHCM đến 2020 tầm nhìn 2030

Thứ 7, 06/10/2018, 07:55 GMT+7

Quy hoạch định hướng hệ thống quản lý chất thải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hướng đến hệ thống quản lý xanh, trên cơ sở các Chiến lược và Qui hoạch phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia và thành phố Hồ Chí Minh, áp dụng các thành tựu cập nhật về kỹ thuật – công nghệ tái chế và xử lý chất thải, về khoa học quản lý đô thị và môi trường, học tập một số trường hợp điển hình đã được áp dụng thành công ở một số thành phố trên thế giới và điều kiện thực tế của thành phố Hồ Chí Minh trong mối quan hệ Vùng, quốc gia và khu vực

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á (Qui hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025). Với diện tích 2.095 km2 và dân số (đăng kí và vãng lai) hơn 9 triệu người (2010), nằm trong vùng kinh tế năng động nhất Việt Nam, bao gồm đồng bằng sông Cửu Long và Vùng Đông Nam Bộ, trong đó có Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh là đầu tầu kinh tế không những trong Vùng mà còn của cả nước, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm đạt 12% trở lên, GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 2.800 USD bằng 1,68 lần năm 2005 và đóng góp trên 22,5% ngân sách quốc gia (Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần IX).
 
Bên cạnh việc sản xuất ra một khối lượng lớn sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thành phố Hồ Chí Minh cũng tiêu thụ một khối lượng khổng lồ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng (49 triệu KWh/ngày), đồng thời thải vào môi trường một khối lượng tương ứng (hơn 2 triệu tấn/ngày) các loại chất thải (lỏng, khí, rắn và bùn), bao gồm cả chất thải không nguy hại và chất thải nguy hại, chất thải có thể tái chế và chất thải chưa có khả năng tái chế. Chất lượng môi trường tự nhiên và cuộc sống của con người đang bị đe dọa do sự phát triển thiếu bền vững (sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng không hiệu quả) và do các loại chất thải này. Các thành tựu đạt được về xóa đói giảm nghèo, nâng cao sức khỏe cộng đồng và vệ sinh môi trường, …, do quá trình phát triển kinh tế và xã hội mang lại trong nhiều năm qua, có nguy cơ đổ vỡ do nạn ô nhiễm môi trường. Không những thế, nguồn tài chính do nhiều năm phát triển kinh tế mang lại sẽ không đủ để phục hồi các tổn hại sức khỏe của người dân, khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường và suy thoái đa dạng sinh học,… đặc biệt là mất đi lợi thế cạnh tranh về đầu tư kinh tế trong và ngoài nước.
 
Nguyên nhân làm cho chất lượng môi trường ngày càng bị đe dọa và tính chất nguy hại tiềm ẩn ngày càng cao có rất nhiều, kể cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng hai nguyên chính (theo thứ tự ưu tiên) cần phải xác định rõ là (1) hệ thống quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chất thải chưa theo kịp tốc độ phát triển của thành phố và (2) cơ sở hạ tầng tái chế, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường còn thiếu rất nhiều để giải quyết khối lượng các loại chất thải phát sinh hàng ngày. Vì vậy, xây dựng một hệ thống quản lý môi trường nói chung và chất thải nói riêng, đặc biệt là hệ thống quản lý Nhà nước, bao gồm con người và cơ sở vật chất hỗ trợ, phù hợp với điều kiện của thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam, mang tính quyết định đến sự phát triển bền vững kinh tế và xã hội của thành phố Hồ Chí Minh, một trong những định hướng chiến lược của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đặc biệt trong điều kiện hiện tượng Biến đổi khí hậu đang diễn ra ở khắp các nơi trên thế giới với cường độ ngày càng khốc liệt, phạm vi ngày càng rộng và thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Để làm được việc này, sau Chiến lược bảo vệ môi trường, Qui hoạch bảo vệ môi trường trong đó có Qui hoạch quản lý chất thải là một việc bắt buộc phải thực hiện.
 
Từ năm 2000 đến nay, gần như không có các nghiên cứu hoặc đề xuất, một cách có hệ thống, khách quan và khoa học, về hệ thống quản lý môi trường nói chung và quản lý chất thải nói riêng cho thành phố Hồ Chí Minh. Số liệu thống kê và thực tế cho thấy rằng, trong nhiều năm qua, số lượng cán bộ làm việc cho ngành môi trường (bao gồm cả kỹ thuật-công nghệ và quản lý Nhà nước) ngày càng tăng, trình độ học vấn ngày càng cao, cơ sở vật chất và kinh phí đầu tư ngày càng lớn, các văn bản pháp lý ra đời ngày càng nhiều, nhận thức xã hội về môi trường ngày càng rõ ràng, nhưng mức độ ô nhiễm môi trường (được đánh giá qua các thông số về nồng độ các chất gây ô nhiễm môi trường) chưa được cải thiện như mong muốn, các khu vực bị ô nhiễm ngày càng rộng và tính nguy hại có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, các ảnh hưởng sẽ xảy ra không phải chỉ có một thế hệ mà nhiều thế hệ, không chỉ có thân thể (điều kiện sinh lý) bị ảnh hưởng mà cả ý thức (tâm lý) cũng đang bị ảnh hưởng. Trong hệ thống quản lý chất thải, rất nhiều vấn đề cũ tích lũy và nhiều các vấn đề mới nảy sinh. Hệ thống này đang giải quyết các vấn đề theo sự vụ nhiều hơn là theo định hướng lâu dài, …, đặc biệt là vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, nhân tố quyết định đến hiệu quả của một hệ thống quản lý đô thị. Do đó, hiệu quả quản lý chất thải của thành phố Hồ Chí Minh không cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế trong giai đoạn phát triển hiện nay, cũng như trong tương lai. Một trong những nguyên nhân là do thành phố vẫn chưa có Qui hoạch tổng thể hệ thống quản lý chất thải (bao gồm hệ thống kỹ thuật – công nghệ và hệ thống quản lý Nhà nước) làm kim chỉ nam cho các giai đoạn phát triển của thành phố.
 
Báo cáo này trình bày nội dung Qui hoạch định hướng hệ thống quản lý chất thải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hướng đến hệ thống quản lý xanh, trên cơ sở các Chiến lược và Qui hoạch phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia và thành phố Hồ Chí Minh, áp dụng các thành tựu cập nhật về kỹ thuật – công nghệ tái chế và xử lý chất thải, về khoa học quản lý đô thị và môi trường, học tập một số trường hợp điển hình đã được áp dụng thành công ở một số thành phố trên thế giới và điều kiện thực tế của thành phố Hồ Chí Minh trong mối quan hệ Vùng, quốc gia và khu vực, từ đó trên cơ sở mối quan hệ biện chứng giữa vật chất (cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tài chính, …) và tinh thần (con người) nhằm từng bước cải thiện tiến đến xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống kỹ thuật – công nghệ, nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý chất thải trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng trưởng xanh
 
Nguồn: HCM CityWeb
 
 
 
Ý kiến bạn đọc