Đà Nẵng: Giải bài toán “áp lực nguồn thải”, hướng đến mục tiêu

Thứ 5, 03/10/2019, 03:00 GMT+7

Xem thêm:

[Infographic] Lộ trình Đà Nẵng giải quyết bài toán "rác thải đô thị" đến năm 2025


* Nhiều thách thức

Theo thống kê của Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, mỗi ngày, thành phố phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Dự kiến, từ năm 2020 - 2025, phát sinh hơn 1.800 tấn/ngày; giai đoạn năm 2025 - 2030, hơn 2.400 tấn/ngày và hơn 3.000 tấn/ngày trong thời gian từ năm 2030 - 2040. Những con số cảnh báo trên cho thấy, đô thị Đà Nẵng đang đối mặt với quá nhiều áp lực về vấn đề rác thải trong tương lai. Với 5 trạm trung chuyển đang hoạt động gồm Lê Thanh Nghị, Chợ Đầu Mối, Nguyễn Đức Trung, Hòa An, Hòa Thọ, công suất hoạt động trung bình 72 tấn/ngày, toàn thành phố có 133 điểm tập kết thùng, trung chuyển rác tạm thời. Tuy vậy, tình trạng vệ sinh môi trường tại các điểm tập kết hiện nay chưa được giải quyết tốt. Cả thành phố hiện chỉ có 1 Khu Xử lý chất thải Khánh Sơn và chỉ còn kéo dài được vài tháng.

Theo Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Tô Văn Hùng, bãi rác Khánh Sơn dự kiến sẽ quá tải vào cuối tháng 9/2019 nếu như không kịp mở rộng 2 hộc chứa rác số 6 - 7. Trong bối cảnh dự án Khu liên hợp xử lý rác Hòa Nhơn còn nằm trong quy hoạch lâu dài, bãi rác Khánh Sơn vẫn là nơi phải tiếp nhận, xử lý chất thải toàn thành phố. Để giải quyết bài toán về môi trường, chính quyền địa phương tính đến phương án nâng cấp và xây dựng các khu xử lý rác thải mới. Thế nhưng, chủ trương xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa người dân xung quanh khu vực này và chính quyền địa phương.

Bên cạnh rác, nước thải cũng là vấn đề “nóng” của TP. Đà Nẵng hiện nay. Giám đốc Sở TN&MT Tô Văn Hùng cho rằng, hệ thống thu gom nước thải quá tải tại một số khu vực phát triển nhanh; khu vực nông thôn phần lớn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Trong khi đó, hệ thống thoát nước mưa chung với thoát nước thải nên tồn tại tình trạng nước thải tràn ra biển (55 cửa xả ra sông, biển); năm 2018, còn 12 điểm ngập úng.

Trước áp lực xả thải, TP. Đà Nẵng đã nhiều lần nâng công suất các trạm xử lý nước thải nhưng vẫn không theo kịp thực tế. Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thừa nhận, tốc độ xả thải của TP. Đà Nẵng cùng tốc độ phát triển đô thị, rất nhanh, nhanh hơn rất nhiều so với các dự báo.

“TP. Đà Nẵng đang gặp rắc rối về môi trường, vấn đề xử lý nước thải. Hiện nay, khu vực bãi biển là một bài toán đau đầu. Khi có những cơn mưa dù nhỏ, khu vực ven biển rất hôi. Hệ thống thu gom và xử lý đang quá tải. Chúng ta không thể chậm hơn được nên nhà thầu cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành nhà máy xử lý nước thải cũng như hệ thống thu gom” - ông Thơ nói.

Các trạm xử lý nước thải đô thị cũ, công nghệ lạc hậu, kết cấu bể, thiết bị cũ, xuống cấp nên tỷ lệ thu gom đạt khoảng 60%, tỷ lệ nước thải xử lý đạt 42%, các hệ thống bố trí gần khu dân cư, không đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh là nguyên nhân gây ra nhiều sự cố, phát sinh ô nhiễm.

Đà Nẵng hướng đến mục tiêu "Thành phố Môi trường" vào năm 2020

* 8.500 tỷ đồng cho kế hoạch xử lý rác sinh hoạt

Để giảm áp lực về chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, tháng 4/2019, TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn thành phố đến năm 2025 với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025. Với kế hoạch đã ban hành, trước mắt, các hộ gia đình sẽ được cấp phát các tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền, túi đựng rác tài nguyên. Khu dân cư được trang bị thùng rác nguy hại theo đúng quy định. TP. Đà Nẵng sẽ trang bị thùng rác 2 ngăn/3 ngăn tại các khu vực công cộng, một số tuyến đường cảnh quan. Các phương tiện, trang thiết bị còn lại do chính đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom rác tái chế hoặc đơn vị thực hiện dịch vụ vệ sinh môi trường tự trang bị. Đồng thời, thành phố sẽ huy động nguồn lực, sự tham gia trực tiếp từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, đồng hành với kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn.

Dự kiến, tổng kinh phí các dự án đầu tư cho kế hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt khoảng 8.500 tỷ đồng, trong đó, ngân sách đầu tư của thành phố trên 1.900 tỷ đồng, ngân sách đầu tư của doanh nghiệp 6.600 tỷ đồng.

Đà Nẵng tiếp tục vận động người dân Khánh Sơn đồng tình triển khai xây dựng bãi rác hiện tại thành khu liên hợp xử lý chất thải rắn với đầy đủ các hạng mục. Trong đó, cho phép Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy rác theo công nghệ đốt với công suất 650 tấn/ngày đêm, nếu thuận lợi, đến cuối 2020, nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Đồng thời, sẽ đầu tư nhà máy đốt rác công suất 1.500 tấn/ngày, xây dựng nhà máy xử lý rác thải ý tế, phân bể phốt.

Với mục tiêu đề ra, giải quyết triệt để ô nhiễm nước thải, UBND TP. Đà Nẵng, đơn vị vừa có quyết định phê duyệt dự án cải thiện môi trường nước phía Đông (quận Sơn Trà) với tổng mức đầu tư lên tới 1.447 tỷ đồng. Dự án thực hiện từ năm 2018 - 2020 nhằm khắc phục tình trạng nước thải sinh hoạt xả ra bãi biển Sơn Trà. Theo đó sẽ xây dựng hệ thống cống bao thu gom toàn bộ nước thải và một phần nước mưa. Hạn chế nước mưa chảy tràn ra các khu vực bãi tắm trong mùa khô, bảo đảm môi trường, cảnh quan và hoạt động du lịch. Đồng thời, nâng cấp công suất Trạm xử lý nước thải Sơn Trà để đảm bảo xử lý nước thải tập trung đến năm 2030. Công trình này sử dụng công nghệ xử lý nước thải sinh học. Công suất vận hành bình thường 40.000m3/ngày và 100.000m3/ngày khi trời mưa.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, trước mắt, thành phố cho xử lý nước thải ven biển phía Đông thành phố; thực hiện rà soát quy hoạch thoát nước, xử lý nước thải gắn với quy hoạch chung của thành phố; triển khai các giải pháp tạm thời nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng nước thải tràn ra biển. Đồng thời, triển khai kế hoạch kiểm tra tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng nước ngầm và đấu nối nước thải của các nhà hàng, khách sạn khu vực phía Đông thành phố.

Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng giao Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, Cảnh sát môi trường… giám sát chặt chẽ lưu lượng, chất lượng nước thải đấu nối từ các nhà hàng khách sạn ven biển và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp; ngăn chặn tình trạng xả nước thải vào hệ thống thoát nước mưa; kiểm soát chặt chẽ xả thải cục bộ.

Hàng loạt các dự án nâng cấp trạm xử lý nước thải hiện có cùng với giải pháp thu gom nước thải ven biển được ngân sách thành phố tự bỏ tiền ra đầu tư với kỳ vọng khép lại vấn đề ô nhiễm môi trường sống cũng như môi trường ven biển ở Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, hướng đến hoàn thành mục tiêu “Thành phố Môi trường” vào năm 2020.

Nguồn: http://www.monre.gov.vn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc