Chất thải nguy hại - phần 3: Căn cứ xác định CTNH và hướng dẫn đối với các loại chất thải không tra cứu được tên gọi hoặc mã cụ thể?

Thứ 2, 16/11/2020, 00:58 GMT+7

Khái niệm căn bản về chất thải nguy hại (CTNH), hướng dẫn và các mối quan tâm xoay quanh công tác quản lý CTNH tại doanh nghiệp được tổng hợp trong chuỗi bài về “Chất thải nguy hại”. Chuỗi bài hướng đến cung cấp cho doanh nghiệp, nhân viên quản lý môi trường,… nắm đầy đủ thông tin, cơ sở pháp lý và các hướng dẫn căn bản để tổ chức công tác quản lý môi trường tại cơ sở.

Kính mời Quý vị đến với phần 3 - Căn cứ xác định chất thải nguy hại và hướng dẫn đối với các loại chất thải không tra cứu được tên gọi hoặc mã cụ thể?

Xem thêm

Phần 1 - Chất thải nguy hại là gì? Mã chất thải nguy hại là gì? Hướng dẫn tra cứu mã CTNH

Phần 2 - Nhận diện một số loại chất thải nguy hại (CTNH) và mã CTNH phát sinh phổ biến tại doanh nghiệp!

Mục lục xem nhanh:

 

I. Căn cứ xác định CTNH: Ngưỡng CTNH là gì?

Ngưỡng CTNH (còn gọi là ngưỡng nguy hại của chất thải) là giới hạn định lượng tính chất nguy hại hoặc thành phần nguy hại của một chất thải làm cơ sở để phân định, phân loại và quản lý CTNH. (QCVN 07: 2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại).

Ngưỡng CTNH là một căn cứ xác định CTNH, ghi chú về sự cần thiết phải áp dụng ngưỡng CTNH trong việc phân định một chất thải trong Danh mục là CTNH. Trong đó, căn cứ vào ngưỡng CTNH thì phân định CTNH gồm hai loại như sau:

  • Là CTNH trong mọi trường hợp (có ký hiệu ** trong Danh mục CTNH); Không cần áp dụng ngưỡng CTNH mà xác định luôn là CTNH;
  • Có khả năng là CTNH (có ký hiệu * trong Danh mục CTNH) có ít nhất một tính chất nguy hại hoặc một thành phần nguy hại vượt ngưỡng CTNH theo quy định tại Phần 2 của Quy chuẩn QCVN 07: 2009/BTNMT. Nếu không áp dụng ngưỡng CTNH thì phải phân định luôn là CTNH. Trong trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật đối với một số tính chất và thành phần nguy hại nhất định thì áp dụng theo các tiêu chuẩn của quốc tế theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về môi trường;

Hình 1. Căn cứ xác định CTNH được quy định tại QCVN 07: 2009/BTNMT

II. Quy tắc chung về căn cứ xác định CTNH:

  • Mọi chất thải thuộc loại ** hoặc hỗn hợp chất thải có chứa ít nhất một chất thải thành phần thuộc loại ** trong Danh mục CTNH không phải lấy mẫu, phân tích để so sánh với ngưỡng CTNH mà phân định ngay là CTNH hoặc hỗn hợp CTNH, trừ trường hợp phân tích cho mục đích khác, trong đó có việc phân tích để phân loại CTNH theo thành phần nguy hại theo quy định tại điểm 2.1.3.
  • Mọi chất thải thuộc loại * hoặc hỗn hợp chất thải thuộc loại * khi chưa chứng minh được không phải là CTNH thì phải được quản lý theo các quy định đối với CTNH.
  • Nếu một dòng chất thải phát sinh thường xuyên (có tính chất lặp đi lặp lại một cách tương đối ổn định) từ một nguồn thải nhất định (như bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải) có tính chất hoặc thành phần nguy hại lúc vượt ngưỡng, lúc không vượt ngưỡng (dưới ngưỡng) CTNH tại các thời điểm lấy mẫu khác nhau thì phải phân định chung dòng chất thải đó là CTNH, trừ trường hợp phân định riêng cho từng lô chất thải riêng lẻ trong dòng chất thải đó.
  • Hỗn hợp chất thải có ít nhất một chất thải thành phần là CTNH bị coi là CTNH (hay hỗn hợp CTNH) và phải quản lý theo các quy định đối với CTNH.

III. Hướng dẫn xác định mã CTNH đối với các loại chất thải không tra cứu được tên gọi hoặc mã cụ thể 

Một trong những trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại được quy định tại Điều 7 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu là "tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải báo cáo và quản lý". Doanh nghiệp, cơ sở phát sinh chất thải phải có trách nhiệm tự phân định, phân loại chất thải nguy hại.

Để có căn cứ xác định CTNH của một chất thì các chủ nguồn thải cần thực hiện việc lấy mẫu và phân định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại (QCVN 07:2009/BTNMT).

Về áp mã chất thải nguy hại, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại quy định tại Phụ lục 1 (Danh mục chất thải nguy hại), phần A (hướng dẫn sử dụng Danh mục chất thải nguy hại) có hướng dẫn quy trình tra cứu, sử dụng Danh mục tại Mục 2.

Trong trường hợp không tìm được mã CTNH cụ thể theo nguồn thải hay dòng thải thì áp các mã chất thải nguy hại từ 19 12 01 đến 19 12 05 nếu vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định tại QCKTMT về ngưỡng chất thải nguy hại.

----

Bùn thải và tro xỉ là một trong nhóm chất thải gặp nhiều vướng mắc từ các cơ sở phát sinh về việc phân định có phải là chất thải nguy hại hay không để có thể kê khai và quản lý đúng quy định? Trong chủ đề phần 4, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu đến Quý vị bài viết: Bùn thải và tro xỉ có phải là chất thải nguy hại hay không? Hướng dẫn quản lý.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc