Cắt giảm 85% số lượng báo cáo về môi trường cho doanh nghiệp

Thứ 2, 13/04/2020, 07:23 GMT+7

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết liệt thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng về cải cách thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành... Không dừng lại kết quả đạt được, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định cắt giảm, đơn giản hóa chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính và cho doanh nghiệp, đáng chú ý là Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT đã có những cải cách đột phá về chế độ báo cáo của doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường.

Trả lời phỏng vấn của Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ về cải cách, đơn giản chế độ báo cáo của doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.


Một trong những cải cách mới đây mà Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa thực hiện là cải cách chế độ báo cáo của doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Xin ông chia sẻ về đề xuất cải cách này?

Thực hiện chủ trương của Chính phủ lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, giảm tối thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của người dân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định hành chính, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đạt được nhiều kết quả trong cải cách thể chế, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, liên thông thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành.v.v.

Việc cải cách và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp theo chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh chủ yếu thực hiện trong giai đoạn đầu tư, xây dựng, triển khai dự án mà cần phải xem xét, cải cách các vấn đề khác và trong cả quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp. Một trong những vấn đề đó là cải cách chế độ báo cáo của doanh nghiệp.

Lĩnh vực môi trường là lĩnh vực liên quan đến tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp. Trước đây, lĩnh vực môi trường là lĩnh vực có nhiều báo cáo nhất mà doanh nghiệp phải thực hiện so với các lĩnh vực khác còn lại của Bộ (chiếm 80%). Chế độ báo cáo về môi trường của doanh nghiệp được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau từ luật, nghị định, quyết định và thông tư. Các nội dung của các báo cáo này là khác nhau bởi các mục đích, yêu cầu quản lý khác nhau. Các doanh nghiệp thực hiện các báo cáo môi trường tại nhiều thời điểm khác nhau và cơ quan nhà nước được báo cáo cũng rất khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng quy định về chế độ báo cáo về môi trường trước đây thực sự là một gánh nặng hành chính đối với các doanh nghiệp.

Nhận thức được vấn đề này, chúng tôi đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và đưa ra đề xuất cắt giảm, tích hợp các báo cáo về môi trường. Đề xuất này đã trở thành hiện thực khi Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP quy định tích hợp các báo cáo về môi trường; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT đã cụ thể hóa và quy định mẫu báo cáo công tác bảo vệ môi trường chung của doanh nghiệp, tích hợp các báo cáo môi trường riêng lẻ trước đây.

Ông có thể cho biết thực trạng chế độ báo cáo của doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trước khi ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT như thế nào?

Trước khi Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT được ban hành, lĩnh vực môi trường có 11 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm luật, nghị định, quyết định và thông tư; quy định 27 loại báo cáo khác nhau cho các đối tượng là doanh nghiệp phải thực hiện.

Trước ngày 15/02/2020, tức là ngày Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành, hầu hết các doanh nghiệp phải thực hiện tối thiểu là 02 báo cáo và tối đa là 24 báo cáo khác nhau trong một năm để gửi các cơ quan có thẩm quyền khác nhau ở trung ương và địa phương.

Theo rà soát của chúng tôi thì các báo cáo vẫn có một số nội dung còn trùng lặp, giống nhau; tần suất và thời điểm báo cáo khác nhau, cơ quan nhận báo cáo khác nhau.v.v...làm cho việc thực hiện báo cáo rất phức tạp không cần thiết và thực sự là một gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp. Trong khi đó, đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước thì lại không có thông tin tổng thể về các vấn đề môi trường hay công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp do việc thực hiện chế độ báo cáo một cách riêng lẻ, phân tán theo từng nội dung cụ thể.

Việc cải cách, đơn giản hóa chế độ báo cáo của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường được quy định như thế nào trong Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT, thưa ông?

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất và thực hiện cắt giảm, tích hợp và đơn giản hóa chế độ báo cáo của doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã quy định các báo cáo môi trường của doanh nghiệp được lồng ghép, tích hợp trong cùng một báo cáo công tác bảo vệ môi trường. Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT đã quy định chi tiết nội dung này thông qua một mẫu báo cáo công tác bảo vệ môi trường tại Phụ lục IV để tích hợp các báo cáo môi trường do doanh nghiệp thực hiện trước đây thành một báo cáo chung gọi là báo cáo công tác bảo vệ môi trường. Các báo cáo chuyên đề riêng lẻ trước đây trở thành các phụ lục kèm theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Sau khi Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/02/2020, các doanh nghiệp chỉ thực hiện 01 báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong 01 năm. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được gửi cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có liên quan, gồm cả cấp trung ương và cấp địa phương. Theo tính toán của chúng tôi, Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT đã cắt giảm được 23 báo cáo, chiếm 85% số lượng báo cáo của doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bên cạnh báo cáo công tác bảo vệ môi trường vẫn còn một vài báo cáo có tính chất đặc thù khác chưa được tích hợp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất tích hợp các báo cáo này vào báo cáo công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và sẽ được thực hiện trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường.Việc này nhằm bảo đảm quán triệt nguyên tắc “một doanh nghiệp chỉ có một báo cáo môi trường” để giảm gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp. 

 

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Số lượng báo cáo được cắt giảm, đơn giản hóa là rất lớn trong Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT, vậy việc cắt giảm, đơn giản hóa này mang lại những lợi ích cụ thể như thế nào cho doanh nghiệp?

Tôi cho rằng việc cắt giảm này chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc cải cách chế độ báo cáo về môi trường đã được quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT.

Lợi ích dễ nhận thấy nhất là cắt giảm, tiết kiệm đáng kể nguồn lực, thời gian, chi phí thực hiện báo cáo cho doanh nghiệp, ước tính tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho cộng đồng doanh nghiệp. Nếu như trước đây doanh nghiệp phải xây dựng nhiều báo cáo môi trường có nội dung khác nhau, riêng lẻ thì nay chỉ xây dựng một báo cáo tổng hợp các báo cáo riêng lẻ trước đó phải thực hiện.

Cải cách chế độ báo cáo của doanh nghiệp quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT cũng cắt giảm được tần suất và số lần phải báo cáo. Trước đây phải thực hiện nhiều báo cáo tương ứng với nhiều thời điểm khác nhau thì nay chỉ có một thời điểm báo cáo duy nhất và có thể gửi cho nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau. Đồng thời, quy định này còn giúp loại bỏ các nội dung trùng lặp không đáng có của các báo cáo riêng lẻ trước đây, giúp bảo đảm chất lượng báo cáo và tính thống nhất của các số liệu trong báo cáo..

Không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi ích từ việc cắt giảm, đơn giản hóa chế độ báo cáo trong lĩnh vực môi trường, chúng tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cũng được hưởng lợi từ việc tích hợp, đơn giản hóa chế độ báo cáo này. Thay vì nhận được các báo cáo riêng lẻ, thông tin phân tán thì nay được báo cáo một cách đầy đủ, tổng thể với thông tin có tính hệ thống về các vấn đề môi trường và công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, điều này giúp thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Định hướng hay nói cách khác là dư địa để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cải cách, đơn giản hóa chế độ báo cáo của doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Việc cắt giảm, đơn giản hóa chế độ báo cáo cho doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn còn dư địa để thực hiện và chúng tôi sẽ có các đề xuất cải cách trong thời gian tới.

Một trong những định hướng cải cách sắp tới của Bộ Tài nguyên và Môi trường là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước nhằm chuyển đổi và xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chế độ báo cáo trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Thời gian tới, các cơ quan hành chính nhà nước và doanh nghiệp sẽ tương tác, cung cấp và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện chế độ báo cáo về tài nguyên và môi trường trên internet hay hệ thống cơ sở dữ liệu và việc này sẽ được thực hiện dễ dàng, đơn giản hơn rất nhiều. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo về môi trường chắc chắn sẽ tiết giảm thời gian, nguồn lực, chi phí đáng kể cho doanh nghiệp, người dân.

Nguồn: Báo Tài Nguyên & Môi Trường

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc