Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào cuộc sống, kinh tế tuần hoàn ngày càng được lan tỏa và trở thành một xu thế tất yếu, được lồng ghép vào các chiến lược phục hồi vào phát triển kinh tế của từng địa phương.
Theo đánh giá của TS. Đào Văn Mạnh, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), việc lồng ghép các tiêu chí thực hiện kinh tế tuần hoàn vào chiến lược phát triển của địa phương, tổ chức áp dụng thí điểm đối với các lĩnh vực là hợp phần quan trọng trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Những hoạt động này giúp kinh tế tuần hoàn không chỉ nằm trên giấy tờ, lý thuyết mà từng bước được đưa vào thực tiễn.
Tháng 4/2022, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức ra mắt Mạng lưới kinh tế tuần hoàn (HueCEH – Hue Circular Economy Hub), với kỳ vọng thúc đẩy và lan tỏa sáng kiến về kinh tế tuần hoàn. Đây được xem là bước ngoặc để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương có thêm nhiều nhân tố khởi nghiệp với những giải pháp cho môi trường. Đây cũng là cơ sở để có nhiều doanh nghiệp tham gia thay đổi mô hình kinh tế để phát triển bền vững theo các tiêu chí xanh về môi trường.
Dịp này, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững năm 2022. Chương trình thường niên này do Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sang tạp Thừa Thiên – Huế tổ chức nhằm kết nối các nguồn lực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt chú trọng vào thúc đẩy ứng dụng kinh tế tuần hoàn và kinh tế thương mại quốc tế cho doanh nghiệp.
Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định áp dụng mô hình này vào quy trình sản xuất nhằm giảm phát thải ra môi trường sẽ là một hiệu ứng đáng kể để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. Vì vậy, đây sẽ là cơ sở, nền tảng tư duy lan tỏa từ các dự án khởi nghiệp cho đến các doanh nghiệp của địa phương nói riêng và khu vực nói chung.
Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Thừa Thiên Huế ra mắt (Ảnh: Minh Hiền)
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã thông qua đề án Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn được giao cho Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh chủ trì.
Mục tiêu của kế hoạch này là thúc đẩy quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, với kỳ vọng góp phần tích cực đưa kinh tế TP Hồ Chí Minh chuyển dịch theo hướng bền vững và hiện đại.
Theo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, mô hình kinh tế tuần hoàn mới là giải pháp toàn diện để nâng cao hiệu quả quản lý chất thái rắn sinh hoạt, nhất là với những đô thị có lượng rác sinh hoạt khổng lồ như TP Hồ Chí Minh. Trong đó đẩy mạnh các hoạt động tái chế ngay từ khi hình thành sản phẩm thông qua các quy định về thiết kế sản phẩm, thay vì tập trung vào tái sử dụng, tân trang trong nền kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác thải phát sinh.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Tp Hồ Chí Minh phải xây dựng kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn trong quản lý tái chế rác thải sinh hoạt. Đây cũng là một trong những hướng phát triển bền vững mà TP Hồ Chí Minh hướng tới, đề ra trong Đề án "Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Ngày 10/5, tại Đà Nẵng, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) phối hợp Tổ chức Friedrich Ebert Stiftung (FES) tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh tế tuần hoàn, yếu tố chính để phát triển đô thị bền vững Việt Nam”.
Tại diễn đàn này, các chuyên gia, nhà quản lý đã tìm hiểu, nắm bắt khái niệm, kiến thức liên quan đến kinh tế tuần hoàn; khuôn khổ pháp lý về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, các điều kiện chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn... cũng như trao đổi các mô hình, kinh nghiệm về kinh tế tuần hoàn.
Đây là hoạt động nền tảng, tạo điều kiện thuận lợi để sắp đến Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Tổ chức Friedrich Ebert Stiftung (FES) tại Việt Nam cùng các chuyên gia trong nước, quốc tế đồng hành cùng thành phố Đà Nẵng trong việc xây dựng lộ trình lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, kế hoạch phát triển đô thị.
Sơ đồ: Giải pháp quản lý chất thải bền vững
Đó là lựa chọn của thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Theo đó, Tp Hội An đặt kinh tế tuần hoàn là chiến lược mũi nhọn phục hồi ngành du lịch. Chính quyền TP. Hội An đã ký kết Khung kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An – điểm đến xanh giai đoạn 2021 – 2023, phối hợp cùng các tổ chức phát triển.
Khung kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An – điểm đến xanh giai đoạn 2021 – 2023 nằm trong khuôn khổ Chương trình đối tác chiến lược IUCN Việt Nam với Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và dự án Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương được thực hiện bởi Trung tâm GreenHub.
Khung kế hoạch hành động được kỳ vọng sẽ tạo đà cho Hội An trở thành điểm đến xanh, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp chung tay hành động thúc đẩy du lịch bền vững.
Trước đó, một chương trình thí điểm đã được PRO Việt Nam và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thực hiện tại Cù Lao Chàm và thu được kết quả tương đối khả quan. Đây là cơ sở để mở rộng các mô hình tái chế, giảm thiểu rác thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho toàn thành phố Hội An.
Đồng xử lý chúng ta cần biết thêm điều gì về nó?
Kinh tế tuần hoàn xu hướng tất yếu cho sự phát triển bền vững cập nhật mới nhất theo quy định!
Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT