Một trong những xu hướng nổi bật của kiến trúc bền vững là sử dụng gỗ pallet và gỗ tự nhiên tái chế trong thiết kế nội thất, kết hợp giữa các vật liệu cũ và mới để tạo ra những không gian sống động, sáng tạo và hiệu quả.
Ngày nay, việc sử dụng gỗ tái chế đang trở thành xu hướng phổ biến trong ngành xây dựng và thiết kế nội thất. Nhiều nhà thiết kế và kiến trúc sư đã nhận ra tiềm năng của loại vật liệu này và tận dụng nó để tạo ra những sản phẩm nội thất sáng tạo và độc đáo. Các không gian sử dụng gỗ pallet tái chế không chỉ đẹp mắt mà còn mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên, tạo nên môi trường sống lành mạnh và bền vững.
Không nằm ngoài xu thế đó, các kiến trúc sư của Công ty Tư vấn Thiết kế STD Design Consultant đã sáng tạo và tận dụng cẩn thận từng thanh gỗ riêng lẻ từ những pallet và rất nhiều thanh gỗ cũ bỏ đi để tạo nên các chi tiết nội thất độc đáo cho Trung tâm hội nghị Aqua Jadin tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặt tiền uốn lượn của Trung tâm được thiết kế khéo léo bằng các tấm gỗ nhựa màu xanh tái chế (Ảnh: Paul Phan)
Công trình này trải rộng trên diện tích 3280 m², nổi bật với mặt tiền uốn lượn được tạo bởi các tấm gỗ nhựa tái chế sơn màu xanh. Vật liệu composite tái sử dụng được sử dụng cho mặt tiền nhằm giúp cho kết cấu nhẹ nhất có thể, còn các pallet gỗ và gỗ tự nhiên tái chế được sử dụng trong nội thất của công trình.
Kiến trúc sư đã sáng tạo sử dụng tổng cộng hàng nghìn pallet gỗ cũ được tháo rời, cẩn thận sử dụng từng dải gỗ riêng lẻ từ các pallet gỗ này. Đây là một lựa chọn thông minh, không chỉ giúp mang lại không gian nội thất trông năng động và uyển chuyển hơn, mà còn tạo ra một điểm nhấn ấn tượng cho công trình, mang đến cho khách tham quan cảm giác thư thái và gần gũi với thiên nhiên.
Trong một khu vực nổi tiếng với khí hậu oi bức như Thành phố Hồ Chí Minh, việc ưu tiên thông gió tự nhiên và bóng mát là vô cùng cần thiết. Các kiến trúc sư đã sắp đặt cấu trúc cây xanh và nước trong ngoài công trình nhằm điều chỉnh nhiệt độ và thúc đẩy mối liên kết gần gũi hơn với thiên nhiên. Đây không chỉ là giải pháp giảm nhiệt mà còn là cách tiếp cận mang tính bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào hệ thống làm mát nhân tạo.
Một điểm nhấn thẩm mỹ phản ánh sự uyển chuyển và linh hoạt trong kiến trúc với trần bằng gỗ tái chế. (Ảnh: Paul Phan)
Theo kiến trúc sư Phạm Trung – Trưởng nhóm thiết kế của STD Design Conlultant: “Đã đến lúc các kiến trúc sư tập trung suy nghĩ đến việc nên làm cái mà xã hội cần thay vì làm cái mình muốn theo phong cách, sở thích cá nhân. Vì khi xem xét 1 công trình thiết kế xanh, việc công trình đó dùng vật liệu tái chế hay vật liệu gì thì cũng cần tính hữu dụng của công trình đó đối với đời sống xã hội, liệu nó có xứng đáng để được xây dựng hay không và đặc biệt nó có ảnh hưởng đến môi trường hay không, đó mới là điều cần thiết”.
Bằng cách tái sử dụng vật liệu và làm mới lại các kết cấu kiến trúc hiện có, công trình không chỉ giảm thiểu đầu tư tài chính cho chủ đầu tư mà còn cung cấp địa điểm tổ chức tiệc cưới giá cả phải chăng cho cư dân thành thị có thu nhập trung bình. Việc thực hành kiến trúc bền vững này cũng không chỉ giảm thiểu rác thải ra môi trường mà còn minh họa cho tiềm năng tái sử dụng các vật liệu xây dựng đã qua sử dụng.
Có thể thấy, việc sử dụng gỗ tái chế là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc và môi trường. Đây là vật liệu bền vững, giúp giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc tái chế và sử dụng lại gỗ cũng giúp giảm lượng khí thải carbon, góp phần bảo vệ khí hậu.
Với nhiều ưu điểm vượt trội và khả năng ứng dụng linh hoạt, gỗ pallet và gỗ tự nhiên tái chế chắc chắn sẽ tiếp tục là lựa chọn ưu tiên trong các dự án xây dựng và thiết kế nội thất trong tương lai. Việc tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương cũng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và tạo ra những không gian sống động, sáng tạo và thân thiện với môi trường.
Nguồn: Theo Sản Xuất Và Tiêu Dùng Bền Vững, "Xanh hoá kiến trúc với vật liệu tái chế", đăng ngày 24 tháng 10 năm 2024, xem tại link: https://scp.gov.vn/tin-tuc/t13924/xanh-hoa-kien-truc-voi-vat-lieu-tai-che.html, truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2024