Tăng cường quản lý chất thải rắn và giảm chất thải nhựa tại các đô thị!

Monday, 08/07/2024, 02:51 GMT+7

Chiều 7/3, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các cơ quan chức năng tổ chức tọa đàm trực tuyến “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị”.

Tăng cường quản lý chất thải rắn và giảm chất thải nhựa tại các đô thị

Tham gia buổi tọa đàm có Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Tạ Đình Thi; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng; Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức; Cục trưởng Cục biển và Hải đảo Việt Nam, Giám đốc Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam Nguyễn Đức Toàn; Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam Văn Ngọc Thịnh.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Nguyễn Công Dũng – Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết: Hiện nay, với quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, sự gia tăng dân số, cùng với thói quen sinh hoạt và ý thức của con người khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, trở thành vấn đề đáng lo ngại. Bởi vậy, giải quyết vấn đề ô nhiễm, nhất là ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại các đô thị là việc làm cấp bách mà nhiều quốc gia phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.

Tăng cường quản lý chất thải rắn và giảm chất thải nhựa tại các đô thị

Ông Nguyễn Công Dũng – Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại toạ đàm

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề ô nhiễm hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề này thông qua việc đổi mới căn bản các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là các giải pháp thông qua các dự án, chương trình hành động cụ thể như chương trình “Đô thị giảm nhựa” trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”.

Các hoạt động của Dự án trong thời gian qua chính là những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho việc triển khai Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bảo vệ môi trường 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.Theo ông Nguyễn Công Dũng, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân là vấn đề quan trọng, được Đảng, Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo để giúp người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của môi trường đối với sự phát triển của đất nước và sự tồn tại của con người. Từ đó, xây dựng nhận thức đúng đắn, hành động thân thiện và văn minh với môi trường.

Ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Theo thống kê, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị.

Điều đáng nói, chất thải nhựa ở Việt Nam không chỉ phát sinh nhiều, mà đa phần đều bị thải trực tiếp cùng các loại chất thải khác và không được phân loại. Điều này càng gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý tái chế và giảm rác thải nhựa tại các địa phương. Trong khi đó, chất thải rắn là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam khi tốc độ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021-2030 trung bình là 6%/năm.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hằng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn.

Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí. Việc kiểm soát, quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.

Tăng cường quản lý chất thải rắn và giảm chất thải nhựa tại các đô thị

Quang cảnh buổi toạ đàm

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những hoạt động quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường và không thể tách rời với công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói chung. Cùng với đó là việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi về công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị; kết quả, hạn chế thực hiện việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị; kinh nghiệm rút ra, phương hướng trong thời gian tới để nâng cao sức mạnh việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị; những vấn đề cần đặt ra nhằm nâng cao việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị.

Nguồn: Theo Cục Kiểm Soát Ô Nhiễm Môi Trường - Trung Tâm Quan Trắc Môi Trường Miền Nam, “Tăng cường quản lý chất thải rắn và giảm chất thải nhựa tại các đô thị” đăng ngày 11/03/2024, xem tại link: https://scem.gov.vn/vi/tin-tuc-trung-tam/chu-truong-chinh-sach/tang-cuong-quan-ly-chat-thai-ran-va-giam-chat-thai-nhua-tai-cac-do-thi-1129.html, truy cập ngày 08/07/2024.

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Reviews