Có diện tích trồng trọt lớn nhất đồng bằng sông Hồng và đàn vật nuôi đứng tốp đầu cả nước, Hà Nội có khối lượng phế phụ phẩm phát thải trong nông nghiệp khá dồi dào. Việc tận dụng phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại lợi ích kép, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường…
Hình ảnh minh họa
Nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp dồi dào theo tính toán với 244.560ha gieo trồng cây hàng năm và 22.336ha cây lâu năm, trung bình mỗi năm, ngành Nông nghiệp Hà Nội phát sinh khoảng 3,26 triệu tấn phế phụ phẩm, trong đó, lúa gạo phát sinh 2,43 triệu tấn phế phụ phẩm, chiếm 74,5% tổng sản lượng phế phụ phẩm. Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới Hà Nội Đỗ Quý Hùng cho biết: Số lượng phế phụ phẩm chiếm tỷ lệ nhiều nhất là rơm rạ khoảng 2,06 triệu tấn, chiếm khoảng 84,8% khối lượng phế phụ phẩm sản xuất lúa gạo; vỏ trấu và cám chiếm 15,2% khối lượng phế phụ phẩm còn lại. Đối với cây ngô, phát sinh 163,8 nghìn tấn phế phụ phẩm, trong đó, chủ yếu là lõi và vỏ. Rau các loại, lượng phế thải đồng ruộng tạo ra cũng rất lớn, gồm các loại thân, lá già còn lại sau thu hoạch với số lượng 657,4 nghìn tấn.
Chất thải do hoạt động chăn nuôi gồm: Phân, nước thải, chất độn chuồng trong ngành chăn nuôi của Hà Nội cũng khá lớn. Trung bình mỗi năm, thành phố chăn nuôi khoảng 24.000 con trâu, 134.500 con bò, hơn 1,1 triệu con lợn, 40,1 triệu con gia cầm đã phát thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc khoảng 2,35 triệu tấn/năm, lượng chất thải rắn thải ra môi trường từ hoạt động chăn nuôi gia cầm khoảng 570 nghìn tấn/năm; lượng nước thải từ chăn nuôi khoảng 5.528 triệu lít/năm.
Thời gian qua, nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội đã sử dụng chế biến rơm rạ, thân cây ngô, phụ phẩm xay xát… làm thức ăn nuôi cho trâu, bò và phục vụ trồng trọt khá hiệu quả. Đơn cử, xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất) ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ trong trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu. Áp dụng mô hình này, nông dân địa phương đã giảm số lần bón phân và không dùng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Hay trường hợp hộ gia đình ông Vũ Kim Tuyền ở xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì), để tạo nguồn thức ăn cho 120 con bò thịt, ngoài trồng cỏ làm nguyên liệu phục vụ chăn nuôi, ông còn đầu tư máy cuốn rơm để làm thức ăn cho vật nuôi…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, các loại phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp đều có khả năng thu gom và tái chế sử dụng. Nếu được tái sử dụng những phụ phẩm này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn như việc sử dụng thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp giúp nông dân vừa tiết kiệm chi phí, vừa chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, giảm dần sự phụ thuộc vào cám công nghiệp.
Hỗ trợ để người dân tận dụng phế phụ phẩm
Hiệu quả đã được kiểm chứng, tuy nhiên, việc tận dụng phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố vẫn gặp một số khó khăn. Theo ông Đỗ Quý Hùng, thông thường sau thu hoạch, phần lớn rơm rạ được người dân đốt ngay tại ruộng. Tương tự, thân, lá, lõi ngô chỉ khoảng 50% được tái sử dụng, còn lại 15% đốt tại ruộng, số lượng còn lại sử dụng vào mục đích khác… vừa gây lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, cần có các biện pháp hướng dẫn, khuyến khích người dân tận dụng phế phụ phẩm trồng.
Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, hình thức xử lý hiện nay chủ yếu là ủ phân hữu cơ, thu gom làm phân bón lỏng vẫn được coi là hình thức truyền thống, dễ áp dụng, chiến tỷ lệ khá cao vì xử lý theo hình thức này không đòi hỏi kỹ thuật cao và dễ tận dụng làm phân bón. Ngoài ra, hình thức xử lý chất thải bằng xây dựng hầm biogas chủ yếu cho chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng không nhỏ hộ gia đình không áp dụng bất kỳ hình thức xử lý chất thải chăn nuôi mà để thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước, thải ra vườn, ao, hồ gây ô nhiễm môi trường. Ngay cả khi được xử lý bằng hầm biogas, các chất thải còn lại và nước thải vẫn chưa được xử lý triệt để hoặc tận dụng làm phân bón mà xả trực tiếp vào môi trường tự nhiên…
Đề cập giải pháp hỗ trợ để người dân tận dụng phế phụ phẩm, ông Nguyễn Huy Đăng cho rằng, có nhiều cách chế biến nguồn phụ phẩm đơn giản, dễ thực hiện như ủ rơm khô dạng cuộn với Urê, ủ rơm tươi với Urê theo phương pháp đóng bánh, ủ men phục vụ chăn nuôi bò sữa, bò thịt… Vấn đề đặt ra là các cấp, các ngành thành phố cần triển khai và thực hiện tốt các chính sách, quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, ứng dụng các biện pháp quản lý phế phụ phẩm nông nghiệp hiệu quả vào đời sống. Đồng thời, cần thường xuyên tập huấn cho người dân về chế biến rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp và công nghệ chế biến thực phẩm làm thức ăn cho gia súc; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu mô hình tận dụng phế phẩm nông nghiệp hiệu quả, hướng dẫn nông dân phương pháp áp dụng...
“Song song rà soát các quy định hiện hành để bổ sung, sửa đổi, khắc phục những kẽ hở, thiếu sót, tồn tại, bất cập trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, cần chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, xây dựng các chương trình, dự án, mô hình sơ chế, chế biến công nghệ để tái sản xuất theo hướng công nghệ cao. Trên thực tế hiện nay, nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng trong xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp như sản xuất than, dầu sinh học, năng lượng, vật liệu từ vỏ trấu; vật liệu xây dựng; trồng nấm, linh chi; đồ thủ công mỹ nghệ; xử lý nước thải chăn nuôi… đã đem lại hiệu quả rõ nét. Nếu biết tận dụng và xử lý đúng cách phụ phẩm nông nghiệp, người nông dân sẽ có lợi đủ đường, vừa góp phần tăng lợi nhuận, lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.
Nguồn: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội " Tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp: Lợi ích kép ", xem tại link "https://sonnptnt.hanoi.gov.vn/cat216/10414/Tan-dung-phe-phu-pham-trong-nong-nghiep-Loi-ich-kep", truy cập ngày 24/09/2024