Sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp: Nhiều lợi ích thiết thực

Tuesday, 20/08/2024, 09:57 GMT+7

Là một trong những địa phương có diện tích trồng trọt và đàn vật nuôi lớn, bên cạnh sản phẩm chính cung ứng cho người tiêu dùng, Hà Nội còn một lượng lớn phế phụ phẩm nông nghiệp. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu hữu cơ tiềm năng này.

Hình ảnh minh họa 

Rơm rạ, chất thải cũng hữu ích

Những năm gần đây, huyện Mỹ Đức đã xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ trong trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu. Kết quả cho thấy, bằng phương pháp này, năng suất khoai tây đạt 20 tấn/ha, cao hơn so với phương pháp thông thường 1,5 lần, gốc rạ phân hủy nhanh sau 50 ngày, đạt 70%. Đặc biệt, mô hình giúp nông dân giảm số lần bón phân và không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.

Không chỉ ở Mỹ Đức, tại nhiều huyện trên địa bàn TP cũng đang khuyến khích nông dân sử dụng rơm rạ để trồng nấm, trồng đậu tương hoặc xử lý thành chế phẩm phục vụ trồng các loại cây, rau màu. Ngoài nguồn phế phụ phẩm trong trồng trọt, nhiều địa phương còn tận dụng phế thải trong chăn nuôi để áp dụng vào các công trình khí sinh học. Đơn cử, tại huyện Ba Vì, Hội Nông dân xã Ba Trại đã tận dụng nguồn phế thải từ chăn nuôi bò, gia cầm để xây dựng hơn 40 hầm biogas. Để tận dụng nguồn phế phụ phẩm từ chăn nuôi, ngoài các hộ, trang trại chăn nuôi tự xây dựng hầm biogas, TP đã hỗ trợ một số trang trại chăn nuôi xử lý chất thải bằng hình thức sử dụng đệm lót sinh học và công nghệ xử lý lên men vi sinh.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến hết năm 2018, toàn TP có hơn 648 cơ sở sử dụng đệm lót sinh học; 159.630 cơ sở xây dựng công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Các hình thức xử lý, sử dụng phế phụ phẩm nói trên đã góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tránh lãng phí nguồn nguyên liệu hữu cơ

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, mỗi năm Hà Nội có khoảng 1,8 triệu sinh khối phế phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo, trong đó có 1,44 triệu tấn rơm rạ, 240.000 tấn trấu, 120.000 tấn cám... Tuy nhiên, khoảng 500.000 tấn rơm rạ bị đốt bỏ (chiếm hơn 30% tổng lượng rơm rạ), vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí nguồn nguyên liệu hữu cơ. Ngoài lúa, hàng năm, lượng phế phụ phẩm từ cây ngô cũng tương đối lớn với khoảng 11.000 tấn (lõi, bẹ, thân, lá), trong đó chỉ có 20% trong số này được ủ làm thức ăn chăn nuôi, lượng lớn còn lại, nông dân bỏ tại ruộng, rất lãng phí.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Hà Nội là một trong những địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn với gần 30 triệu con, nguồn chất thải rắn lên tới 11,4 triệu tấn, song việc sử dụng nguồn phế phụ này còn hạn chế. Hầu hết người chăn nuôi chưa nhận thấy nguồn lợi từ nguồn phế phụ hoặc chưa được tiếp cận với kỹ thuật ứng dụng khoa học trong xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp. Nhằm khắc phục tình trạng này, hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp trong trồng nấm, đậu tương, khoai tây. Đồng thời, đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp tại các huyện có diện tích trồng trọt và quy mô chăn nuôi lớn.

Nguồn: Sở Nông Nghiệp & PTNT thành phố Hà Nội " Sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp: Nhiều lợi ích thiết thực ", xem tại link "https://sonnptnt.hanoi.gov.vn/cat219/4029/Su-dung-phe-phu-pham-nong-nghiep-Nhieu-loi-ich-thiet-thuc ", truy cập ngày 20/08/2024

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Reviews