Ngày nay, sản xuất xanh không phải muốn hay không mà đang trở thành yêu cầu bắt buộc trên thế giới. Chính vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần phải dần thích ứng để tăng lượng hàng xuất khẩu, nâng cao vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sản xuất xanh là quá trình đổi mới quy trình sản xuất và thiết lập các hoạt động thân thiện với môi trường trong lĩnh vực sản xuất. Về cơ bản, đây là việc “xanh hóa” hoạt động sản xuất, trong đó công nhân sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, giảm thiểu ô nhiễm và chất thải, tái chế và tái sử dụng vật liệu, đồng thời hạn chế khí thải trong các quy trình của họ. Ngày nay, sản xuất xanh đang trở thành xu hướng phát triển của các doanh nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển bền vững ngày càng cấp bách. Mô hình này không chỉ đáp ứng các yêu cầu mới, phù hợp với xu thế chung của thế giới mà còn mang đến vô số lợi ích, giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế lẫn nội địa.
Những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn xanh, chứng chỉ carbon có giá bán cao hơn rất nhiều lần so với sản phẩm thông thường. Các thống kê cho thấy sản phẩm xanh, tốt cho sức khỏe là xu hướng được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn và họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm đó. Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, biến đổi khí hậu được xem là một vấn đề cấp bách toàn cầu, lối sống xanh được nhiều người quan tâm và dần trở thành xu thế của thời đại.
Sự thay đổi của người sử dụng sang hướng tiêu dùng xanh khiến các nhà sản xuất cũng phải “chuyển mình” để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu mới. Sức ép từ người tiêu dùng trở thành lực đẩy để các nhãn hàng cam kết và hành động cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng của họ. Những năm gần đây, các nhà mua hàng, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế, đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt. Những yêu cầu này nhấn mạnh các vấn đề như hiệu quả môi trường, sử dụng vật liệu tái chế, tìm kiếm các vật liệu hữu cơ hoặc bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng và bảo tồn các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như nhiên liệu hóa thạch và nước.
Với các doanh nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn xanh giúp họ không những không phải nộp thuế carbon mà còn có lợi thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp chưa đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Điều này thúc đẩy họ tích cực chuyển đổi sang sản xuất xanh. Thống kê cho thấy, 250 thương hiệu lớn trên thế giới trong ngành dệt may đã công bố lộ trình cần phải sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tái chế, tự nhiên và tuần hoàn được trong quá trình phát triển của họ từ nay đến năm 2050.
Bên cạnh câu chuyện của khách hàng và thị trường thì bản thân nhiều quốc gia cũng đã thể chế tiêu chí “xanh hóa” thành những yêu cầu của luật pháp. Những thị trường truyền thống của Việt Nam như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... ngày càng có yêu cầu cao về các yếu tố bền vững. Nếu như trước đây, các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở những phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường.
Chẳng hạn, EU đang bắt đầu một chiến dịch mới cho hàng dệt may, bằng cách buộc tất cả sản phẩm dệt may đưa vào thị trường đều phải bền, có thể sửa chữa và tái chế, giảm tác hại của thời trang nhanh với nền kinh tế. Ngoài ra, EU cũng có quy định mới, cấm hàng hóa có xuất xứ từ đất rừng bị phá hoặc góp phần làm suy thoái rừng. Quy định nhằm góp phần giải quyết nạn phá rừng, suy thoái rừng, bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học.
Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các sản phẩm được quản lý, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm thuộc chương trình trọng điểm, kinh tế tuần hoàn… là những mặt hàng được các nhà mua hàng quan tâm, tìm kiếm. Những năm gần đây, khi đến Việt Nam mua hàng, ngoài đàm phán về giá, người mua còn đưa ra yêu cầu như nhà cung cấp phải có lộ trình, hành động cụ thể cho sản xuất xanh, phát triển bền vững.
Điều này đặt ra yêu cầu là chúng ta phải nhanh chóng chuyển đổi, thích ứng với yêu cầu về sản xuất xanh mà thế giới đang hướng tới. Sự thay đổi không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu. Theo đó, với các sản phẩm xanh hơn, sạch hơn, hàng hóa Việt Nam sẽ thâm nhập vào các thị trường một cách tốt hơn. Việc này có ý nghĩa lâu dài đối với nền kinh tế, các doanh nghiệp và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam
Tuy nhiên, nếu mục tiêu phát triển bền vững mà LHQ đưa ra là 17 mục tiêu, thì hiện tại Việt Nam mới thực thi được 6 mục tiêu, trong đó có giảm nghèo đa chiều, nước sạch hợp vệ sinh, mở rộng mạng lưới an sinh, dịch vụ công chất lượng. Còn 11/17 mục tiêu nữa chúng ta phải cố gắng, nhất là các mục tiêu xanh cần như tiêu thụ, sản xuất sản phẩm xanh, phát triển năng lượng sạch với giá hợp lý, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, môi trường đất liền.
Vì thế, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện văn bản pháp luật về chuyển đổi xanh, đặc biệt chú trọng cải thiện tính hiệu quả trong việc thực thi chủ trương và chính sách về phát triển chuyển đổi xanh. Việc ban hành và thực thi văn bản luật liên quan có ý nghĩa rất lớn đến quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về chuyển đổi xanh của Việt Nam, đảm bảo việc phát triển chuyển đổi xanh luôn đi cùng với một môi trường xanh và phát triển bền vững.
Một vấn đề khác là việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh đòi hỏi chi phí chuyển đổi rất lớn, thời gian chuyển đổi lâu. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng được khung hướng dẫn về “Tín dụng theo phân loại xanh”. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra danh mục 12 ngành xanh để các ngân hàng thương mại áp dụng. Dù vậy, đây mới chỉ là hướng dẫn ở cấp ngành, chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia, chưa có sự thống nhất với các phân loại của các bộ, ngành khác.
Trên thực tế, theo thống kê, tổng dư nợ tín dụng xanh hiện mới chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, với khoảng hơn 620.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất nhỏ so với nhu cầu thực tế do còn nhiều vướng mắc về chính sách. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp cần sự đồng hành của Chính phủ, bộ, ngành trong việc tạo hành lang chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư hướng đến “sản xuất xanh”. Trong đó chủ yếu là những chính sách về tín dụng với lãi suất và hạn mức ưu đãi hơn cho doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm xanh.
Dựa trên kinh nghiệm của các nước đã đạt được những thành tựu nổi bật về chuyển đổi xanh thì việc giao lưu, hợp tác với cộng đồng quốc tế là điều rất cần thiết. Thông qua mối quan hệ với cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ không chỉ về vấn đề khoa học và công nghệ mà còn góp phần thúc đẩy việc huy động nguồn vốn đầu tư theo hướng chuyển đổi xanh, giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu, không ngừng cải thiện và đảm bảo chất lượng môi trường sống cho người dân.