Phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả, vừa an toàn với sức khỏe con người, hệ sinh thái và môi trường là một bài toán khó và cấp thiết phải giải quyết, nhất là ở Việt Nam – một quốc gia có tỷ lệ lao động và diện tích đất nông nghiệp rất cao
Tác động tiêu cực của thuốc bảo vệ thực vật với môi trường
Tại hội nghị "Thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam" vừa được tổ chức mới đây, Chủ tịch Hội các doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, bình quân mỗi năm lượng thuốc BVTV nhập khẩu về Việt Nam khoảng 100.000 tấn. Bên cạnh đó, theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, cả nước hiện có 96 cơ sở sản xuất thuốc BVTV với công suất hơn 300.000 tấn/năm.
Thuốc BVTV có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, nhưng việc quá lạm dụng cũng là con dao 2 lưỡi dẫn đến những hậu họa khôn lường, nhất là đối với sức khỏe con người và môi trường. Theo các nhà khoa học, thuốc BVTV sau khi được sử dụng một phần thuốc sẽ ngấm vào vào đất. Nếu loại thuốc có tính độc cao sẽ giết chết rất nhiều sinh vật có lợi trong đất. Kể cả thời gian phân hủy dài thì khổng đủ thời gian để đất phân hủy hết. Đặc biệt nếu dùng lâu dài và liên tục, chắc chắn các chất độc hại sẽ bị tích lũy lại dần trong đất.
Hình ảnh minh hoạ
Chưa hết, phần thuốc BVTV khi chưa thấm vào đất thì chảy tràn trên đồng ruộng, kênh rạch hay thông qua đất mà ngấm vào mạch nước ngầm. Chưa kể những bao bì hay lọ thuốc mà người dân vứt bỏ ngoài đồng ruộng, hay khi xục rửa các dụng cụ chứa thuốc rồi đổ ra các nguồn nước gần đó. Gây ô nhiễm nước một cách nghiêm trọng. Làm ảnh hưởng trực tiếp đến các loài động vật sống dưới nước. Đồng thời, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe con người.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu chỉ ra rằng, xu hướng chung về sản xuất thuốc BVTV hiện nay một mặt tập trung vào việc tối ưu hoá cơ chế tác động của các sản phẩm hiện có, mặt khác phát triển các cơ chế tác động mới, ít độc và thân thiện hơn với môi trường. Hiện nay, xu hướng này là bắt buộc và phù hợp với mục tiêu chung của Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp các giai đoạn (từ 2011-2025) là phát triển nông nghiệp chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên để hướng tới sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật cũng đang khuyến khích xây dựng khu công nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống thu gom, xử lý thuốc BVTV và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; sản xuất, sử dụng bao gói thuốc BVTV từ vật liệu dễ tái chế.
Đặc biệt, quy định cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang buộc các nhà sản xuất, nhập khẩu thuốc BVTV phải có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022. Mức đóng góp này từ 50 đồng đến 250 đồng/chai tùy thuộc vào định dạng bao bì là chai hộp nhựa, thủy tinh hay kim loại.
Bên cạnh việc luật hóa các tiêu chuẩn về sản xuất, sử dụng thuốc BVTV thân thiện với môi trường, Chính phủ cũng đưa ra các mức phạt nặng đối với các hành vi vi phạm trong quá trình sản xuất, sử dụng sản phẩm này. Theo đó, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định rõ, hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin thuốc bảo vệ thực vật sai quy định và gây ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt 10 đến 15 triệu. Mức phạt này sẽ lên đến 70 triệu đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm, khắc phục sự cố môi trường trong thời hạn nhất định.
Với những quy định nghiêm ngặt như trên, các chuyên gia cho rằng, trong thời tới, việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sẽ quy củ hơn, thân thiện với môi trường hơn.
Nguồn: Bộ Tài Nguyên Môi Trường "Phát triển thuốc bảo vệ thực vật: Cần chú ý đến tác động môi trường", đăng ngày 26/07/2024, xem tại link "Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bản tin (monre.gov.vn)", truy cập ngày 08/08/2024