Phân loại rác tại nguồn để giảm áp lực xử lý rác!

Wednesday, 03/07/2024, 02:02 GMT+7

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số dẫn tới phát sinh chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) có xu hướng tăng cao, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý chất thải. Và phân loại rác tại nguồn được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giảm áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác.

Rác thải phát sinh lớn

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, trong giai đoạn 2016 - 2021, lượng CTRSH phát sinh tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước. Ước tính lượng CTRSH phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10% - 16% mỗi năm. Năm 2019, tổng lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc là khoảng 64.018 tấn/ngày, trong đó, lượng CTRSH phát sinh tại khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày, tại khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 đô thị có khối lượng CTRSH đô thị phát sinh lớn nhất, tổng khối lượng CTRSH phát sinh từ khu vực đô thị lên tới 12.000 tấn/ngày, chiếm 33,6% tổng lượng CTRSH đô thị phát sinh trên cả nước.

Phân loại rác tại nguồn

Rác thải tái chế được phân thành 3 nhóm: giấy, nhựa và kim loại

Trong năm 2020, lượng CTRSH phát sinh ngày càng lớn, có tính chất, thành phần phức tạp. Tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn các tỉnh/thành phố khoảng 81.121 tấn/ngày. Các địa phương có khối lượng CTRSH phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25%.

Thời gian qua, công tác phân loại chất thải tại nguồn đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương đã tích cực xây dựng các chương trình, dự án về phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, việc phân loại tại nguồn chưa đạt được kết quả cao do các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa. Mặt khác, nhiều địa phương chưa có thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại chất thải được phân loại. Nhiều trường hợp chất thải đã phân loại nhưng được vận chuyển chung trong cùng thiết bị, phương tiện, một số trường hợp cơ sở xử lý chỉ áp dụng một phương pháp xử lý chung đối với chất thải đã được phân loại nên hiệu quả của việc phân loại tại nguồn không cao.

Trên thực tế, việc phân loại rác tại nguồn mới được thực hiện thí điểm tại một số khu vực thuộc một vài đô thị lớn. Các địa phương còn lại vẫn chưa thực hiện phân loại tại nguồn, nên thu gom lẫn lộn và vận chuyển tới bãi chôn lấp. Do không được phân loại nên từ rác vô cơ, hữu cơ, rác thải nhựa đều trộn lẫn vào nhau, nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp. Đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh quỹ đất dành cho chôn lấp rác tại các địa phương ngày càng hạn hẹp.

Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH

Những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dự ng, trình Quốc hội ban hành Luật BVMT 2020, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và ban hành thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Trong đó, có nhiều quy định mới, cụ thể hơn so với trước đây về quản lý CTRSH, bao gồm quy định về phân loại chất thải tại nguồn. Theo đó, CTRSH được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và CTRSH khác; đồng thời đưa ra lộ trình thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Phân loại rác tại nguồn

Gia tăng chất thải rắn sinh hoạt gây áp lực lớn đến môi trường

Hiện, Bộ TN&MT đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH tại nguồn để làm cơ sở cho các địa phương áp dụng, thực hiện. Theo dự thảo, ngoài việc phân loại thành 3 nhóm cơ bản, tuỳ theo hạ tầng kỹ thuật xử lý CTRSH của từng địa phương, việc phân loại CTRSH có thể được mở rộng theo các nhóm: Chất thải cồng kềnh; chất thải nguy hại; chất thải thuộc nhóm sản phẩm, bao bì tái chế theo trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu; chất thải có thể đốt được và chất thải không đốt được.

Về cách thức phân loại, CTRSH có khả năng tái sử dụng, tái chế phải làm sạch, giữ khô để đưa đi tái chế, thông thường gồm 3 loại chính là giấy, nhựa, kim loại. Chất thải thực phẩm có thể sử dụng chung một bao bì nếu không tái sử dụng tại chỗ. Chất thải thuộc nhóm sản phẩm, bao bì tái chế theo trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu cần được thu gom, lưu trữ và vận chuyển đến các điểm thu hồi theo quy định. Trường hợp địa phương chưa thiết lập điểm thu hồi thì phân nhóm tương ứng như chất thải nguy hại, chất thải tái chế hoặc chất thải khác.

Chất thải nguy hại cần được lưu giữ riêng ở nơi khô ráo, kín đáo. Có thể đem đến các điểm thu hồi do nhà sản xuất hoặc địa phương quy định. Chất thải cồng kềnh nếu không thể tái sử dụng thì cần tháo bỏ các phụ kiện đi kèm và phân loại vào nhóm chất thải tương ứng. Sau đó chuyển giao cho cơ sở thu gom hoặc điểm tập kết theo quy định tại địa phương.

Đối với nhóm chất thải đốt được thì tùy theo địa phương có thể yêu cầu đựng trong các bao bì với ký hiệu nhận diện rác đốt được và thu gom chuyển giao theo tần suất, thời gian đơn vị thu gom quy định. Chất thải xây dựng được thu gom, chuyển giao theo hướng dẫn của ngành xây dựng về vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng.

Cũng theo dự thảo, đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị thực hiện phân loại theo nguyên tắc cơ bản, khuyến khích triển khai phương án mở rộng phân loại CTRSH. Còn đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, miền núi, hải đảo, khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

Việc hoàn thiện và ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Nguồn: Theo Cục Kiểm Soát Ô Nhiễm Môi Trường, "Phân loại rác tại nguồn để giảm áp lực xử lý rác", đăng ngày: 27/12/2022, xem tại link:https://scem.gov.vn/vi/tin-tuc-trung-tam/van-de-moi-truong/phan-loai-rac-tai-nguon-de-giam-ap-luc-xu-ly-rac-918.html, truy cập ngày 03/07/2024.

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Reviews