Phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã trong lĩnh vực môi trường từ ngày 1/7/2025 theo Nghị định số 131/2025/NĐ-CP

Tuesday, 01/07/2025, 15:06 GMT+7

Từ ngày 01/7/2025, Nghị định số 131/2025/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, quy định việc phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Mục 8 của Nghị định quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giữa UBND cấp tỉnh, UBND cấp xã, HĐND cấp xã và Chủ tịch UBND các cấp.

Tham khảo căn cứ pháp lý:

Nghị định số 131/2025/NĐ-CP: Quy định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ban hành ngày 12/06/2025.

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP: quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Nghị định số 05/2025/NĐ-CP: sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Quyết định số 11/2025/QĐ-TTg: Ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải

Phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã trong lĩnh vực môi trường từ ngày 1/7/2025 theo Nghị định số 131/2025/NĐ-CP

Phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã trong lĩnh vực môi trường từ ngày 1/7/2025 theo Nghị định số 131/2025/NĐ-CP

Thẩm quyền của UBND cấp tỉnh

1.    Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp khi không có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp. (Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường)
2.    Yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ khi có ô nhiễm, suy thoái môi trường xảy ra trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên hoặc theo đề nghị của UBND cấp xã. (Căn cứ điểm a, b khoản 2 Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường)
3.    Tiếp nhận báo cáo, phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề của UBND cấp xã. (Căn cứ khoản 2 Điều 33 và điểm a khoản 5 Điều 35 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP)

Thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh

1.    Cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư, cơ sở thuộc nhóm I, II, III khi thuộc một trong các trường hợp phát sinh nước thải, khí thải, chất thải nguy hại sau:
a) Có phát sinh nước thải sinh hoạt xả ra môi trường phải được xử lý với tổng lưu lượng từ 50 m3/ngày trở lên;
b) Có phát sinh nước thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý đối với những cơ sở, dự án thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
c) Có phát sinh nước thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý với tổng lưu lượng từ 10 m3/ngày trở lên;
d) Có phát sinh nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý quy định tại điểm a và điểm c khoản này với tổng lưu lượng từ 50 m3/ngày trở lên;
đ) Có phát sinh khí thải xả ra môi trường phải được xử lý với tổng lưu lượng từ 2.000 m3/giờ trở lên khi đi vào vận hành chính thức;
e) Có phát sinh thường xuyên chất thải nguy hại với tổng khối lượng từ 100 kg/tháng trở lên hoặc từ 1.200 kg/năm trở lên và có phát sinh nước thải hoặc khí thải phải xử lý xả ra môi trường trong quá trình vận hành.
(Căn cứ khoản 4 Điều 41 và Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường)
2.    Cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại hoặc thu hồi giấy phép môi trường. (Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường)

Thẩm quyền của HĐND cấp xã

Bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo phân cấp ngân sách hiện hành. (Căn cứ điểm h khoản 2 Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường)

Thẩm quyền của UBND cấp xã cụ thể qua 13 nhóm nhiệm vụ:

1. Lập danh mục các cụm công nghiệp không có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung trên địa bàn và báo cáo UBND cấp tỉnh. (Điểm b khoản 5 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường)
2. Tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề. (Điểm a khoản 5 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường)
3. Chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề; đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ. (Điểm b khoản 5 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường)
4. Quản lý hoạt động SX, KD, DV bảo đảm tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường theo quy hoạch được phê duyệt; quản lý công tác thu gom và xử lý chất thải quy mô cấp xã; đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn; tổ chức theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường; khoanh vùng, xử lý, cải tạo, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường tại các điểm, khu vực ô nhiễm trên địa bàn nông thôn. (Điểm b khoản 2 Điều 58 Luật Bảo vệ môi trường)
5. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường hằng năm cho HĐND cùng cấp và UBND tỉnh trước ngày 31/01
(Điểm a khoản 1 Điều 118 Luật Bảo vệ môi trường)
6. Công bố sự cố môi trường cấp xã. (Khoản 2 Điều 125 Luật Bảo vệ môi trường)
7. Khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường và chỉ đạo thực hiện phục hồi sau sự cố môi trường; sự cố chất thải trên địa bàn. (Điều 126, 127 Luật Bảo vệ môi trường; Điều 13 Quyết định số 11/2025/QĐ-TTg)
8. Ban hành kế hoạch phục hồi và cải tạo môi trường sau sự cố môi trường, sự cố chất thải. (Điều 126 Luật Bảo vệ môi trường; Điều 14 Quyết định số 11/2025/QĐ-TTg)
9. Ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường. (Khoản 2 Điều 127 Luật Bảo vệ môi trường)
10. Yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường gây ra trên địa bàn quản lý của mình và đề nghị UBND cấp tỉnh hỗ trợ xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái. (Điểm a khoản 2 Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường)
11. Hướng dẫn, kiểm tra chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và cơ sở trong cụm công nghiệp. (Điểm a khoản 4 Điều 49 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP)
12. Giải quyết hoặc phối hợp xử lý thủ tục đầu tư, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét các dự án mới hoặc dự án đang hoạt động nâng công suất có phát sinh nước thải trong khu SX, KD, DV tập trung, cụm công nghiệp. (Điểm b khoản 4 Điều 49 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP)
13. Công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp xã. (Khoản 2 Điều 110 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP)

Thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã

1. Tiếp nhận đăng ký môi trường đối với các dự án, cơ sở quy định tại Khoản 4 Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường.
2. Chỉ đạo ứng phó sự cố, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố môi trường, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn về sự cố môi trường cấp xã xảy ra trên địa bàn. (Điều 125 Luật Bảo vệ môi trường; Điều 8 Quyết định số 11/2025/QĐ-TTg)
3. Thành lập đoàn kiểm tra đột xuất không báo trước. (Điểm e khoản 2 Điều 163 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP)
4. Xác định sự cố chất thải, chỉ đạo ứng phó sự cố chất thải. (Điều 8 và Điều 9 Quyết định số 11/2025/QĐ-TTg)
5. Thành lập tổ công tác xác định nguyên nhân sự cố chất thải cấp xã (Khoản 1 Điều 9 Quyết định số 11/2025/QĐ-TTg)

Ghi chú:

Sự cố môi trường cấp xã là sự cố môi trường vượt quá phạm vi sự cố cấp cơ sở và có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong địa bàn của một đơn vị hành chính cấp xã.

Sự cố chất thải cấp xã là sự cố môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải trong quá trình phát sinh, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, xử lý, đồng xử lý, tái chế, thu hồi năng lượng, tiêu hủy chất thải trong địa bàn của một đơn vị hành chính cấp xã.

Nguồn: Môi Trường Á Châu

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Reviews