Lãng phí thực phẩm đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới. Việc này dẫn đến lãng phí về tài nguyên, quỹ đất, nguồn nước, vật tư nông nghiệp, nhiên liệu hóa thạch... dùng cho sản xuất thực phẩm và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu.
Trên 70 nước ký cam kết
Lãng phí thực phẩm ước tính gây thiệt hại kinh tế khoảng 100 tỷ USD. Cụ thể, theo thống kê, mỗi năm có 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới. Số thực phẩm này đủ để nuôi sống người dân ở ba châu lục gồm: Châu Phi, châu Mỹ và châu Âu trong vòng một năm.
Trái cây, rau, củ, hải sản, ngũ cốc, trứng và sữa là các loại thực phẩm bị vứt bỏ nhiều nhất. Bên cạnh đó, khoảng 250km3 nước bị lãng phí trong quá trình sản xuất những loại thực phẩm này, đủ để lấp đầy ba hồ nước ngọt Geneva, hồ lớn thứ hai tại Trung Âu.
Nguyên nhân gây lãng phí khác nhau ở từng khu vực. Ở các nước đang phát triển, lãng phí chủ yếu xảy ra trong quá trình sản xuất và lưu trữ thực phẩm, chiếm 54% toàn thế giới. Con số này ở các nước phát triển là 46%. Tuy nhiên, các nước phát triển lãng phí thức ăn chủ yếu trong quá trình phân phối và tiêu thụ.
Trái cây, rau củ, sữa là những thực phẩm bị bỏ đi nhiều nhất
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), khoảng 37% thực phẩm có nguồn gốc động vật và 20% có nguồn gốc thực vật bị vứt bỏ sau khi đến tay người dùng. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở các nước giàu do thực phẩm ở đây có hạn sử dụng ngắn và người dân không có kế hoạch chi tiêu.
Ngày 9/11, hơn 70 quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, thành viên Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia ở châu Mỹ, châu Phi và châu Á, đã ký cam kết giảm lượng thực phẩm lãng phí. Cam kết này được ký tại Hội nghị Thường niên của Nghị định thư Montreal, diễn ra tại trụ sở của FAO ở Rome, Italy.
Các nước hy vọng phát triển các phương thức lưu trữ tối ưu để bảo quản và vận chuyển thực phẩm giúp giảm thiểu tình trạng trên. Trong khi đó, người tiêu dùng được khuyên nên tiết kiệm, mua vừa đủ và tận dụng thức ăn thừa làm phân bón hữu cơ.
Ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc FAO, cho rằng các nỗ lực nhằm giảm thiểu lãng phí thực phẩm chỉ thực sự hiệu quả khi toàn nhân loại nhận thức được vấn đề. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh lãng phí thực phẩm là vấn đề không chỉ liên quan tới an ninh lương thực mà còn liên quan tới môi trường.
Cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm
Nhiều chiến dịch cũng như các giải pháp về chống lãng phí thực phẩm đã được thực hiện trên thế giới. Một trong những giải pháp đó là dựa vào công nghệ.
Tại Vương quốc Anh, thiết bị Winnow Vision giúp thu thập kết quả đo khối lượng các thùng đựng rác thải thực phẩm và thông tin từ nhân viên nhà bếp về loại thức ăn đã vứt bỏ. Sau đó, thuật toán phân tích dữ liệu tiến hành đánh giá lượng thực phẩm đã bị lãng phí, trên cả phương diện chi phí và tác động đối với môi trường.
Các đầu bếp có thể sử dụng kết quả phân tích, có tính đến thực đơn của nhà hàng để điều hành hoạt động một cách hiệu quả hơn. Điều này cho phép các nhà hàng cắt giảm từ 40 - 70% lượng thực phẩm bị bỏ phí.
Lãng phí thưc phẩm không những gây thiệt hai về kinh tế mà còn tác động xấu đến môi trường, gây biến đổi khí hậu
Một ứng dụng khác là “Too good to Go” cũng khá phổ biến để giảm tình trạng vứt bỏ đồ ăn thừa. Ứng dụng này kết nối các cửa hàng với những người muốn mua đồ ăn dư thừa hoặc sắp hết hạn. Có trụ sở tại Copenhague (Đan Mạch), công ty sở hữu bản quyền “Too good to Go” đã ký hợp đồng tại 11 quốc gia với sự tham gia của 25.000 nhà hàng và tiệm bánh. Đồ ăn được bán qua ứng dụng này có giá chỉ bằng 1/3 so với giá gốc. Đến nay, đã có 13 triệu người sử dụng ứng dụng “Too good to Go” để mua hàng giảm giá.
Tại Australia, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghệ (CSIRO) đã thử nghiệm thành công biến súp lơ và bông cải xanh bỏ đi thành thuốc bổ. Nhu cầu về các chất bột và chất bổ sung giàu dinh dưỡng sẽ tạo ra thị trường mới cho các loại rau quả, giúp giải quyết vấn đề chất thải nông nghiệp, góp phần giải quyết được tình trạng bỏ phí như hiện nay.
Đi đầu trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm không thể không nhắc đến Pháp. Hiện Pháp là nước ít lãng phí thực phẩm nhất thế giới. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng lệnh cấm các siêu thị vứt bỏ thức ăn không sử dụng mà thay vào đó mang ủng hộ các tổ chức từ thiện. Quy định trên có hiệu lực với tất cả siêu thị có diện tích từ 400m2 trở lên và nhà chức trách áp dụng mức phạt 3.750 euro nếu vi phạm.
Ngoài ra, Pháp cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến “tủ lạnh đoàn kết”. Bắt đầu ở Paris, “tủ lạnh đoàn kết” nhanh chóng lan ra nhiều thành phố trên toàn nước Pháp, Đây là nơi các chủ nhà hàng để món ăn còn thừa hay những thực phẩm như sữa, các loại nước uống, trái cây, rau quả hay đồ hộp không bán hết cho ai có nhu cầu đều có thể lấy về dùng. Mô hình này không những làm giảm lãng phí thực phẩm mà còn chứa thông điệp ý nghĩa. Đó là giúp đỡ những người khó khăn để có những bữa ăn đầy đủ hơn
Nguồn: Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Tỉnh Cà Mau "Lãng phí thực phẩm, vấn đề của toàn cầu", đăng ngày 13/02/2020, xem tại link "https://hoiphunu.camau.gov.vn/wps/portal/1dmy&page=hpn.chitiet&urile=wcm%3Apath%3A/hoiphunulibrary/hoiphunusite/noidungtrang/kynangsong/qqqqqqqqqqqqq ", truy cập ngày 10/09/2024