Hàn Quốc đã thực hiện tái chế thành công gần như 100% thực phẩm thừa. Đặc biệt, tại một số tổ hợp căn hộ, cư dân có thể bỏ qua túi đựng mà đổ thẳng thực phẩm thừa vào thùng rác điện tử có chức năng tự động cân và tính phí.
Sau đại dịch Covid-19, các dịch vụ ăn uống theo nhiều hình thức khác nhau đã hoạt động mạnh trở lại, gây ra vấn đề lãng phí thực phẩm. Trong khi đó, phần lớn lượng thực phẩm thừa hiện nay được để lẫn với rác thải sinh hoạt và xử lý bằng biện pháp chôn lấp, tuy nhiên, khi tích tụ và phân hủy trong môi trường yếm khí, thực phẩm thừa sẽ sinh ra khí metan (CH4), gây hiệu ứng nhà kính. Dự tính với tình hình phát sinh như hiện nay, lượng khí CH4 này sẽ tạo ra khoảng 3,3 tỷ tấn khí CO2 mỗi năm, chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải.
Tại Việt Nam, 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí, tương đương với 3,9 tỉ USD và khoảng 2% GDP của đất nước, tạo nên nhiều "điểm nóng ô nhiễm” do tích tụ thực phẩm thừa… Để giải quyết bài toán này, các quốc gia trên thế giới đã triển khai nhiều hành động quyết liệt, điển hình như Hàn Quốc với lệnh cấm vứt bỏ thực phẩm thừa ra bãi rác từ năm 2005 và hầu hết thực phẩm dư thừa hàng ngày sẽ được xử lý thành thức ăn gia súc, phân bón, nhiên liệu sưởi ấm nhà cửa… giúp tái chế khoảng 90% lượng thực phẩm tồn đọng. Với tính hiệu quả cao, hệ thống xử lý thực phẩm thừa của Hàn Quốc đã được nhiều chuyên gia quốc tế nghiên cứu, học tập, áp dụng, trong đó có Việt Nam.
Theo tờ The New York Times, 1,4 tỷ tấn thức ăn thừa trên thế giới bị vứt bỏ mỗi năm đều được đưa đến các bãi chôn lấp và khi chúng phân hủy sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, đất, đồng thời giải phóng một lượng lớn khí CH4, một trong những khí thải gây hiệu ứng nhà kính mạnh nhất. Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, từ 20 năm trước, Hàn Quốc đã cấm vứt bỏ thức ăn thừa ra các bãi chôn lấp và triển khai mô hình xử lý phù hợp, biến lượng thực phẩm dư thừa thành thức ăn gia súc, phân bón, nhiên liệu sưởi ấm nhà cửa…
Hàn Quốc sở hữu diện tích tương đối hạn chế, phạm vi lãnh thổ của quốc gia này chỉ đạt 100,363 km, nhưng lại là một trong những nước có tỷ lệ thực phẩm thừa cao nhất thế giới. Truyền thống ẩm thực của Hàn Quốc dễ dẫn đến vấn nạn dư thừa thức ăn, hầu hết các bữa ăn trong mỗi gia đình đều có món phụ, đôi khi hơn chục món. Bắt đầu từ cuối những năm 1990, khi bước vào giai đoạn bùng nổ đô thị hóa, kéo theo hệ thống thực phẩm công nghiệp hóa và quy mô rác thải mới, Hàn Quốc phải đối mặt với một loạt những vấn đề nghiêm trọng, khi số lượng bãi chôn lấp rác ở Thủ đô Seoul đạt đến giới hạn. Thời điểm này, việc tách riêng thực phẩm thừa khỏi rác thải thông thường được Hàn Quốc ưu tiên triển khai, tuy vậy, lượng rác thải thu được chủ yếu được xử lý bằng hình thức chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, thời gian đầu thực hiện quy định phân loại rác thải, một số cư dân chưa hình thành thói quen, vẫn vứt thức ăn thừa vào thùng rác công cộng. Chính quyền địa phương buộc phải treo thưởng cho người báo cáo trường hợp vi phạm và xử phạt nghiêm đối với người vứt rác không đúng quy định. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa mạnh dẫn tới tình trạng quá tải dân số ở thủ đô, cùng với đó, mức sống ngày càng tăng lên, dẫn đến lượng rác thải ngày một gia tăng, gây sức ép cho công tác thu gom, xử lý. Vì vậy, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng về rác thải, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện một loạt các chính sách quyết liệt và mạnh mẽ, một trong số đó là quy định cấm chôn rác thải hữu cơ tại các bãi chôn lấp vào năm 2005, theo đó, mọi hành động đưa thực phẩm thừa đến các bãi chôn lấp được coi là hành vi bất hợp pháp. Chính quyền địa phương cũng đã xây dựng hàng trăm cơ sở để xử lý thực phẩm thừa. Người tiêu dùng, chủ nhà hàng, tài xế xe tải… đều tham gia mạng lưới thu thập thực phẩm thừa và biến chúng thành những vật dụng hữu ích.
Tuy nhiên, ngay lập tức một bài toán được đặt ra, đó là làm thế nào để yêu cầu người dân phân tách thực phẩm thừa ra khỏi chất thải chung, bởi hệ thống phân lọc rác luôn bị quá tải và không thể đảm nhiệm được một khối lượng rác khổng lồ. Lời giải cho bài toán này chính là những chiếc túi đựng rác màu vàng đặc biệt, ra đời vào năm 2013, trên chiếc túi ghi dòng chữ: "Túi đựng Rác thải thực phẩm được chỉ định”. Người dân Hàn Quốc có thể dễ dàng mua chúng tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, với giá 300 won (tương đương 5.000 VNĐ) đối với loại 3 lít.
Chính phủ Hàn Quốc đưa ra một yêu cầu đơn giản, đó là người dân phải sử dụng những chiếc túi này để đựng thức ăn thừa hàng ngày trước khi cho vào một thùng rác riêng biệt, đặt ở vệ đường. Do đặc điểm thực phẩm thừa thường nặng vì có chứa nước bên trong, khiến cho việc vận chuyển trở nên tốn kém, vì vậy, doanh thu từ việc bán loại túi này được chính quyền quận thu lại để trang trải chi phí cho quá trình vận chuyển rác thải.
Theo Bộ Môi trường Hàn Quốc, mặc dù các cá nhân cũng như doanh nghiệp phải trả một khoản phí để loại bỏ thực phẩm thừa nhưng chương trình này vẫn tiêu tốn của đất nước khoảng 600 triệu USD mỗi năm. Riêng tại Seoul, phí mua túi bù đắp khoảng 40% tổng chi phí xử lý thực phẩm thừa, khiến Thành phố tiêu tốn khoảng 153 triệu USD hàng năm. Sau thành công của những chiếc túi đựng rác màu vàng, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục triển khai mô hình tương tự với 4 loại túi khác, dùng để chứa chất thải sinh hoạt, chất thải kinh doanh, chất thải công cộng và chất thải xây dựng.
Cuối năm 2010, Chính phủ cũng cho phép các chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn thay thế túi sử dụng một lần bằng túi nhựa đa năng, có thể sử dụng làm túi đựng rác trong khu vực, nhằm giảm số lượng túi nhựa bị vứt bỏ sau khi mua sắm. Động thái này giúp giảm 1/2 số lượng rác thải nhựa (RTN) dùng một lần vào năm 2022, đồng thời tăng tỷ lệ tái chế lên mức 70%.
Bên cạnh thực hiện phân loại rác thải tại nguồn là chiến dịch truyền thông, hướng dẫn người dân cách xử lý rác để giảm chi phí, chẳng hạn như loại bỏ các thành phần nước trước khi đổ rác, không chỉ góp phần giảm trọng lượng rác mà còn giảm chi 8,4 triệu USD ngân sách cho công tác thu gom, xử lý. Theo đó, toàn bộ lượng thực phẩm thừa sau khi thu gom sẽ được xử lý, loại bỏ độ ẩm để tạo khí sinh học và dầu sinh học; chất thải khô thì được biến thành phân bón, phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, năm 2013, Hàn Quốc đã ban lệnh cấm đổ phụ phẩm dạng lỏng (gọi là nước rỉ rác) xuống biển và vận hành một chương trình ủ phân hữu cơ toàn diện, tái chế gần như toàn bộ thức ăn bỏ đi thành phân bón, thức ăn chăn nuôi hoặc nhiên liệu khí sinh học. Toàn bộ thực phẩm thừa thu gom được vận chuyển về Trung tâm xử lý rác Nanji (gần đường cao tốc dẫn ra cửa ngõ phía Tây Seoul) để xử lý. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm xử lý khoảng 130 tấn nước rỉ rác từ các công ty thu gom rác quanh vùng. Chất lỏng được đổ vào bể bê tông, trong thời gian 15 - 30 ngày, vi sinh vật sẽ phân hủy nước rỉ rác ở nhiệt độ 36 - 370C, quá trình này gọi là phân hủy kỵ khí. Khí sinh học mà quá trình này tạo ra được thu thập, bán cho một công ty địa phương để làm khí sưởi ấm cho các hộ gia đình trong vùng. Ngoài ra, ở Hàn Quốc còn xuất hiện nhiều nhóm xã hội dân sự kêu gọi người dân thay đổi thói quen trong văn hóa ăn uống, mỗi người chỉ dùng một đĩa ăn, trước mắt là giảm dần số món hay đĩa bát đựng thức ăn bày trên bàn, hướng tới mục tiêu phi rác thải.
Thùng rác tự động hóa có chức năng cân rác và máy quét nhận diện (RFID) được lắp đặt phổ biến ở Thủ đô Seoul, Hàn Quốc
Quy trình vứt rác đã trở thành thói quen sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân Hàn Quốc, nhất là tại Thủ đô Seoul, đó là việc hút hết hơi ẩm và đặt túi rác đầy trong thùng rác màu xanh ở lề đường lúc sẩm tối. Sau đó, tại các cơ sở xử lý quanh Thành phố, rác trong túi được đổ ra và loại bỏ vật thể lạ, phần còn lại được nén, khử nước rồi xử lý thành phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi, trong khi chất lỏng chảy ra được chuyển tới Trung tâm xử lý rác Nanji. Theo quy trình này, Hàn Quốc đã thực hiện tái chế thành công gần như 100% thực phẩm thừa, tăng vọt từ mức 2,6% vào năm 1996. Đặc biệt, tại một số tổ hợp căn hộ, cư dân có thể bỏ qua túi đựng mà đổ thẳng thực phẩm thừa vào thùng rác điện tử có chức năng tự động cân và tính phí. Chính quyền cho đặt 6.000 thùng rác tự động hóa có chức năng cân rác và máy quét nhận diện (RFID), khi đổ rác, máy sẽ cân và tính phí thông qua hệ thống RFID quét thẻ căn cước ID. Nhờ áp dụng hiệu quả cơ chế xả rác nhiều thì nộp phí nhiều, trong 6 năm qua, Seoul đã giảm được 47.000 tấn thực phẩm thừa. Năm 2021, khi Diễn đàn Kinh tế thế giới xác lập mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm 20 triệu tấn thực phẩm thừa như là một trong 12 giải pháp tối ưu hóa hệ thống thực phẩm toàn cầu, Hàn Quốc được nêu danh ở vị trí dẫn đầu.
Một cuộc khảo sát quy mô 4.000 hộ gia đình tại 8 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 về chỉ số lãng phí thực phẩm (sau Trung Quốc) và ước tính, tổng lượng thực phẩm thất thoát từ chuỗi cung ứng của Việt Nam tương đương 60% lượng chất thải rắn. Nguyên nhân là hơn 50% thức ăn bị lãng phí ban đầu được tạo ra do tâm lý "để phần” cho những người không thể có mặt trong bữa ăn cùng gia đình; 49% số người lãng quên thực phẩm trong tủ lạnh; 35% số người nội trợ không biết cách kiểm soát khẩu phần ăn một cách hợp lý, dẫn đến tình trạng dư thừa thức ăn so với nhu cầu của gia đình. Hơn nữa, với tâm lý "mua mâm phải đâm cho thủng” ở các nhà hàng buffet, nhiều người đã lãng phí thực phẩm, đồng thời cho thấy sự thiếu văn minh trong văn hóa ăn uống. Cơm/bún/phở/mì chiếm tỷ trọng lớn nhất trong biểu đồ những loại thức ăn bị lãng phí (68%), tiếp đến là thịt/cá nấu chín (53%) và rau củ (44%).
Kết quả khảo sát của Bộ NN&PTNT thực hiện năm 2020 cho thấy, tỷ lệ thất thoát thực phẩm, nông sản trước chế biến trung bình của trái cây là 10%, rau củ là 20 - 50%, thủy hải sản từ 30 - 35% và tổn thất lương thực vào khoảng 10 - 15%. Nếu ở khu vực ngoại thành, thực phẩm thừa được người dân tận dụng làm phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn trong chăn nuôi thì ở nội thành, các hộ gia đình đều gom chung với rác sinh hoạt và nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh điểm tập kết rác. Do đó, các đô thị sẽ dễ rơi vào khủng hoảng môi trường, dịch bệnh nếu không xử lý được vấn đề tích tụ thực phẩm thừa. Bên cạnh đó, để bù đắp cho lượng lương thực bỏ đi, chuỗi cung ứng càng tăng tốc để sản xuất nhiều hơn, vô hình chung tạo ra càng nhiều lượng phát thải và hệ lụy là 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí, tương đương 3,9 tỉ USD, khoảng 2% GDP hàng năm, từ đó tạo nên nhiều điểm nóng ô nhiễm ở Việt Nam.
Mặt khác, sau khi sản xuất và chế biến, thực phẩm sẽ được phân phối tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ, trải qua quá trình sử dụng hoặc bảo quản không phù hợp, thực phẩm sẽ trở thành rác thải hữa cơ, nếu không có biện pháp thu gom, xử lý phù hợp, có thể sẽ bị rò rỉ ra môi trường và gây ô nhiễm. Ở giai đoạn này, thực phẩm thừa được chia làm 2 loại: Tái chế và không tái chế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc tái chế thực phẩm thừa để nâng cao giá trị vẫn chưa phổ biến, chỉ dừng mở mức độ sử dụng nước vi sinh ủ thành phân bón đậm đặc (ủ thực phẩm thừa thành phân compost) bón cho cây trồng. Phương pháp này không chỉ có thể áp dụng tại nhà máy xử lý, mà còn dễ dàng thực hiện tại các hộ gia đình, theo đó, chỉ cần một thùng ủ thực phẩm thừa và 1 thùng chứa nước vi sinh hoặc tận dụng các loại sinh vật trong đất, các hộ gia đình có thể đáp ứng nhu cầu tự cung, tự cấp tại gia đình. Hiện tại ở Việt Nam đã có nhiều nhà máy sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại để tạo ra phân bón từ thực phẩm thừa, song vẫn còn hạn chế về số lượng, chưa đáp ứng nhu cầu xử lý thực tiễn, dẫn đến một lượng lớn thực phẩm thừa chưa được xử lý, trở thành nơi sinh sôi, phát triển của nhiều loài sinh vật gây bệnh, đe dọa trực tiếp đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Vì vậy, nhằm hạn chế tác động của thực phẩm thừa, việc đầu tiên Việt Nam cần triển khai là giảm thất thoát, lãng phí thực phẩm bằng cách tiêu dùng, bảo quản hợp lý để hạn chế thói quen thải bỏ thực phẩm. Bên cạnh đó, chủ động phân loại rác tại nguồn, nâng cao hiệu quả công tác tái chế, giảm phát thải khí nhà kính, giảm áp lực lên tài nguyên nước, đất…
Về việc chủ động, kịp thời ban hành các văn bản, chính sách, cũng như Hàn Quốc và một số quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam không đứng ngoài trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm. Ngày 12/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 712/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói” đến năm 2025. Một trong những mục tiêu trọng tâm của Chương trình là phân đấu đến năm 2025, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân, nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên hợp quốc. Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu đề ra, trước hết, Việt Nam cần kiểm soát ngay từ nguồn sản xuất, ngăn chặn những chất độc hại có trong sản phẩm từ nguồn phát sinh ra chất thải. Khi giải pháp này được kiểm soát tốt, thực phẩm thừa sẽ được tái sử dụng, tái chế thành thức ăn chăn nuôi, phân bón vi sinh. Cùng với đó, biện pháp thứ 2 là kiểm soát nghiêm các nguồn thực phẩm thừa và biện pháp thứ 3 là sự đóng góp của khoa học, khi thực phẩm thừa đã bị nhiễm độc, cần xử lý, tìm giải pháp tách hoặc vô hiệu hóa độc chất trước khi đưa đi tái chế thành thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tận dụng thực phẩm thừa như một nguồn tài nguyên. Đây là xu hướng chung của cả thế giới để vận hành một nền kinh tế tuần hoàn, nhằm góp phần hạn chế các tác động lên môi trường. Người dân có thể mua các sản phẩm từ tự nhiên không qua chế biến, tìm hiểu cách xử lý thực phẩm thừa đúng cách, lên kế hoạch bữa ăn và thậm chí là thực hiện ủ rác thực phẩm trong vườn để tránh lãng phí thực phẩm. Tận dụng hiệu quả phế, phụ phẩm trong chế biến thực phẩm như trấu, cám, mật rỉ, bã mía, nội tạng, mỡ cá, sinh khối nhầy, vỏ giáp xác… và áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào khâu tái sản xuất cũng như xử lý chất thải, thực hiện sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng cũng chính là biện pháp gia tăng giá trị thặng dư bằng tận thu tái tạo tài nguyên, đồng thời góp phần quan trọng vào công tác BVMT.
Ngoài các biện pháp xử lý, chuyển hóa thực phẩm thừa thêm một vòng đời có lợi, cần nhìn nhận rằng, giải quyết thực phẩm thừa là điều cần thiết cho những nỗ lực bền vững hơn, như giảm thiểu RTN. Ở cấp độ hộ gia đình, rắc rối trong vấn đề rác thải là rất lớn, việc thực phẩm và RTN thường bị thải bỏ cùng nhau đã cản trở công tác tái chế nhựa một cách hiệu quả, gây ra tình trạng ô nhiễm nhựa gia tăng. Nếu Việt Nam có thể tách 2 nguyên liệu này tại nguồn và thực hiện hiệu quả biện pháp quản lý thực phẩm thừa, chúng ta hoàn toàn có thể tái chế nhựa một cách tiết kiệm, quy mô hơn. Để thực hiện giải pháp này, cần sự phối hợp của các nhà cố vấn, nhà đầu tư trong việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp hướng đến mục tiêu giảm thiểu tối đa lượng thực phẩm thừa phát sinh.
Thực phẩm có vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, chúng là nguồn cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho cơ thể, giúp cơ thể con người khỏe mạnh để hoạt động và làm việc, đồng thời, có khả năng chống lại nguy cơ của bệnh tật. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, lượng thực phẩm được tiêu thụ mỗi ngày là rất lớn, tuy nhiên, nếu không có những biện pháp bảo quản và sử dụng phù hợp, lượng thực phẩm bị thải bỏ không chỉ phá hỏng nỗ lực giúp hàng tỷ người đang bị đói hoặc không đủ khả năng có một chế độ ăn lành mạnh, mà còn gây hại cho môi trường.
Lãng phí và thất thoát lương thực gây ra khoảng 10% lượng khí thải, góp phần dẫn đến tình trạng khẩn cấp về khí hậu và thâm canh nông nghiệp, là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học và ô nhiễm toàn cầu. Nhằm đối phó với vấn đề này, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã và đang triển khai những biện pháp cụ thể để biến thực phẩm thừa từ một gánh nặng, trở thành tài nguyên quý giá của quốc gia, vừa góp phần BVMT. Tương tự như cách giới trẻ xúc tác hành động thay đổi khí hậu, bài toán xử lý thực phẩm thừa ở Việt Nam cần có nhiều hoạt động tích cực cũng như sự chung tay của các cấp chính quyền ở Trung ương, địa phương và cả cộng đồng.
Nguồn: Theo Quản Lý Môi Trường, "Kinh nghiệm xử lý thực phẩm thừa của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam", đăng ngày 31/10/2023, xem tại link: https://quanly.moitruongvadothi.vn/10/27989/Nhua-tai-che-Duy-Tan-va-Ajinomoto-Viet-Nam-hop-tac-tai-che-bao-bi-nhua.aspx, truy cập ngày 08/08/2024.