Hà Nội cần có phương pháp xử lý và tận dụng tốt số lượng chất thải chăn nuôi, nó có thể đáp ứng thay thế lượng phân hóa học, cũng như lượng thức ăn chăn nuôi phục vụ cho nông nghiệp...
TP Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường
Theo Bộ NN&PTNT, ngành chăn nuôi Việt Nam đang dịch chuyển nhanh từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, công nghiệp, từ chăn nuôi nhỏ lẻ lên chăn nuôi quy mô lớn. Chăn nuôi cũng là ngành tạo ra lượng chất thải khá lớn nhưng hiện đang bỏ lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, mỗi năm, hoạt động chăn nuôi gây phát sinh chất thải lớn gồm gần 61 triệu tấn chất thải rắn (gia súc, gia cầm) từ hoạt động chăn nuôi; hơn 304 triệu m3 nước thải từ hoạt động chăn nuôi (trâu, bò, lợn) và một lượng lớn chất thải rắn, lỏng từ giết mổ gia súc, gia cầm.
Trong đó, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân…), còn lại 80% thải ra môi trường. Trong hàng chục triệu tấn chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp chứa hàm lượng rất lớn carbon, hữu cơ và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi.
Nếu có phương pháp xử lý và tận dụng tốt, nó có thể đáp ứng thay thế tới 70 - 80% lượng phân hóa học, cũng như lượng thức ăn chăn nuôi phục vụ cho nông nghiệp, giúp giảm thiểu chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo ước tính, tổng đàn gia súc, gia cầm của TP Hà Nội hiện vẫn đứng tốp đầu cả nước, đặc biệt về chất lượng tiếp tục có bước cải thiện đáng kể. Hiện, TP Hà Nội có 76 xã chăn nuôi trọng điểm với khoảng 6.515 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ; 190.000 hộ tham gia chăn nuôi. Tổng đàn trâu bò là 169.000 con, đàn lợn 1,4 triệu con, riêng đàn lợn sinh sản 168.000 con. Tổng đàn gia cầm là khoảng 38,6 triệu con; đàn dê 15.507 con; đàn chó, mèo là 438.390 con.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, nông nghiệp tuần hoàn nói chung và chăn nuôi tuần hoàn nói riêng là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm. Ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển ngành chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, với tổng đàn gia súc, gia cầm của TP Hà Nội đứng tốp đầu cả nước thì mỗi năm hoạt động chăn nuôi của Thủ đô gây phát sinh chất thải tương đối lớn.
“Hà Nội cần có phương pháp xử lý và tận dụng tốt số lượng chất thải chăn nuôi, nó có thể đáp ứng thay thế lượng phân hóa học, cũng như lượng thức ăn chăn nuôi phục vụ cho nông nghiệp, giúp giảm thiểu chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững” - ông Nguyễn Ngọc Sơn cho hay.
Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025.
Theo kế hoạch, TP Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường; 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định.
Sẽ hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt tại các địa phương. Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 100% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định; triển khai 1 đến 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp.
Có ít nhất 15% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả: 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả. 100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận được thu gom và xử lý theo quy định. Ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng và có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ.
100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, TP Hà Nội đã có Nghị quyết số 10/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT đẩy nhanh việc triển khai các nội dung thuộc Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg.
Nguồn: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội " Hà Nội : Tái chế chất thải chăn nuôi thành sản phẩm thân thiện môi trường ", xem tại link " https://sonnptnt.hanoi.gov.vn/cat173/13408/Ha-Noi-Tai-che-chat-thai-chan-nuoi-thanh-san-pham-than-thien-moi-truong", truy cập ngày 24/09/2024