Ngày 8/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Nền tảng đổi mới sáng tạo BambuUP tổ chức hội thảo "Đổi mới sáng tạo xanh cho nhà máy và khu công nghiệp: Thuận dòng để phát triển bền vững".
Hội thảo thu hút hơn 150 đại biểu đại diện khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp sản xuất tham dự. Nội dung chương trình tập trung vào các xu hướng mới của thị trường và người tiêu dùng, cũng như các giải pháp công nghệ chuyển đổi xanh, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nguồn lực trong xây dựng chiến lược sản xuất bền vững.
Hình ảnh minh họa
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành BambuUP cho rằng: Thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ xử lý nước thải… dự kiến đạt 61,92 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 20,8%. Chuyển đổi xanh cần phải trở thành một chiến lược cấp thiết để các doanh nghiệp sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư xanh và đảm bảo các tác động bền vững trong một thế giới khó lường.
“Không chuyển đổi xanh đồng nghĩa với không còn hoạt động kinh doanh trong tương lai. Năm xu hướng chuyển đổi sản xuất xanh phổ biến mà các doanh nghiệp cần áp dụng là tối ưu hóa năng lượng, sản xuất sản phẩm bền vững, giảm thiểu rác thải và tái chế, tăng cường công nghệ thông minh, tiếp cận sản xuất tinh gọn”, bà Nguyễn Hương Quỳnh cho biết.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, để tận dụng các cơ hội, lợi ích từ nguồn vốn đầu tư xanh các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế cần chuẩn bị tâm thế, lộ trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình sản xuất xanh.
Hình ảnh minh họa
Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIREA), cho biết, nhà máy xanh là nhà máy được trang bị các quy trình thiết kế và sản xuất thân thiện với môi trường giúp cải thiện hiệu quả phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng. Khu công nghiệp xanh là khu công nghiệp thân thiện với môi trường, sản xuất ra các sản phẩm xanh.
Ngoài ra, khu công nghiệp xanh còn bao hàm cả việc tái sử dụng các chất thải, các chất thải năng lượng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng và nguồn tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, gỗ tự nhiên...), hạn chế sử dụng hóa chất độc hại (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm...) bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến để khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Cùng quan điểm, ông Trần Anh Đông, Giám đốc CAS-Energy, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các khu công nghiệp sinh thái để Việt Nam tham gia và cạnh tranh hiệu quả khi “luật chơi sản xuất xanh - xuất khẩu xanh” ngày càng siết chặt.
Ông Trần Anh Đông cũng chỉ ra, việc chuyển đổi xanh đặt các doanh nghiệp sản xuất vào thế khó về nhiều mặt: tài chính, nguồn lực, chính sách hỗ trợ… nhất là trong giai đoạn khởi tạo và vận hành.
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung phân tích, thảo luận xoay quanh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà máy, khu công nghiệp phía Nam khi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh. Từ đó chia sẻ một số bài học kinh nghiệm điển hình, kết nối nguồn lực và gợi ý các giải pháp công nghệ thực tế. Các doanh nghiệp tham gia chương trình cũng được kết nối, nhận tư vấn trực tiếp cùng các chuyên gia.
Nguồn: Sản xuất và tiêu dùng " Đổi mới sáng tạo xanh cho các nhà máy và khu công nghiệp ", đăng ngày 10/08/2024, xem tại link " https://scp.gov.vn/tin-tuc/t13854/doi-moi-sang-tao-xanh-cho-cac-nha-may-va-khu-cong-nghiep.html ", Truy cập ngày 13/08/2024