Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm, chỉ đạo các phòng ban, cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
Đặc biệt kể từ khi Nghị quyết số 12-NQ/HU ngày 31/10/2022 của Huyện ủy về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được ban hành, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai, tập trung vào xử lý chất thải thực phẩm bằng phương pháp sử dụng vi sinh vật bản địa, tổ chức các lớp tập huấn phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn từng xã, thị trấn, đồng thời lồng ghép hướng dẫn ứng dụng IMO trong sản xuất nông nghiệp, khử mùi cống rãnh, nhà vệ sinh và các điểm tập kết chất thải.
Hiện trên địa bàn huyện có 12 khu dân cư đạt chuẩn Khu dân cư kiểu mẫu thực hiện tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tổng số hộ thực hiện phân loại rác sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn 10 xã, thị trấn Vĩnh An là 32.946 hộ/46.015 hộ, đạt tỷ lệ 74,39%. Ngoài ra, người dân vừa tận dụng rác thải tái chế bán phế liệu, đồng thời tận dụng rác thải thực phẩm để tạo nguồn phân bón hữu cơ sử dụng cho trồng rau sạch, cây ăn trái trong vườn nhà, làm thức ăn chăn nuôi trong gia đình.
UBND huyện cũng đã triển khai thực hiện mô hình thùng rác 03 ngăn kết hợp trồng cây và xử lý chất thải thực phẩm sau phân loại tại khắp các xã và thị trấn Vĩnh An. Đây được xem là một trong những giải pháp hữu ích cho công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, góp phần giảm thiểu chất thải và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, trong công tác bảo vệ môi trường, huyện Vĩnh Cửu đặc biệt quan tâm đến các biện pháp xử lý chất thải trong sản xuất nông nghiệp. UBND huyện đã chỉ đạo các xã tập trung thực hiện tốt việc thu gom chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường, cụ thể như:
Đối với chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp từ hoạt động trồng trọt: Người dân thu gom xử lý bằng nhiều hình thức phù hợp, bán cho các thương lái, tận dụng làm nấm, làm chất đốt, thức ăn cho gia súc, làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi hoặc xử lý ngay tại đồng ruộng, tại vườn bằng các hình thức cày lật đất, ngâm ủ với chế phẩm sinh học làm phân bón. Đến nay, tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp phát sinh từ hoạt động trồng trọt được tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường trên địa bàn các xã đều đạt trên 95%.
Đối với chất thải chăn nuôi: Hiện nay, 100% lượng chất thải chăn nuôi phát sinh tại các hộ trên địa bàn huyện đều được các hộ chăn nuôi xử lý bằng cách xử lý qua hệ thống bể biogas lên men vi sinh, đệm lót sinh học, sử dụng men vi sinh IMO để xử lý thành phân bón hữu cơ sử dụng trong gia đình hoặc bán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Bao bì thức ăn chăn nuôi tại các trang trại và hộ chăn nuôi sau sử dụng phần lớn được tái sử dụng, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trên địa bàn huyện có hơn 238,02ha/260 hộ trồng trọt chủ yếu là cây có múi, xoài và rau các loại được người dân sử dụng men vi sinh IMO để phân hủy phụ, phế phẩm nông nghiệp, rác hữu cơ để tạo thành nguồn phân hữu cơ cải thiện chất lượng đất canh tác, giảm thiểu đáng kể chi phí mua phân bón đầu vào trong quá trình sản xuất cho người nông dân, hơn 30 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện sử dụng men vi sinh IMO để xử lý chất thải trong chăn nuôi, làm giảm thiểu mùi hôi, cải thiện được môi trường tại khu vực chăn nuôi và các hộ lân cận.
Ngoài ra có một số mô hình xử lý phụ phẩm trong trồng trọt hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và là tiền đề nhân rộng và phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn huyện và các mô hình sử dụng men vi sinh IMO để canh tác trong sản xuất nông nghiệp như: "Mô hình xử lý phụ phẩm trồng trọt thành phân bón hữu cơ của Tổ hợp tác xoài Phú Lý, xã Phú Lý; Mô hình sử dụng men vi sinh IMO để canh tác cây có múi của ông Hà Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Bình Minh; Mô hình sử dụng men vi sinh IMO để trồng bưởi của ông Nguyễn Văn Hồng, ấp 6, xã Thạnh Phú; Mô hình sử dụng men vi sinh IMO để phân huỷ rác hữu cơ, phụ phế phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ của ông Phạm Văn Phẩm, ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình và Mô hình sử dụng men vi sinh IMO ủ chuối chín làm thức ăn cho vịt của ông Võ Vũ Mạnh, ấp 6, xã Thạnh Phú."
Từ các hoạt động nêu trên, các hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn huyện đã dần nâng cao ý thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Thông qua các chương trình tuyên truyền và giáo dục, người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc giảm thiểu và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Nhiều hộ gia đình đã thực hiện phân loại rác tại nguồn một cách nghiêm túc, thường xuyên và có hệ thống, biết cách phân loại rác thực phẩm, rác tái chế và rác thải sinh hoạt khác.
Các khu dân cư, ấp, xóm trở nên sạch sẽ, gọn gàng hơn, tạo không gian sống trong lành và thân thiện với môi trường. Các phong trào, chiến dịch bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa đã thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng, tạo thành một phong trào rộng khắp và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Những kết quả đạt được cho thấy sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, cộng đồng và từng hộ gia đình trong việc thực hiện phân loại và giảm thiểu rác thải, góp phần xây dựng môi trường sống bền vững và xanh sạch hơn.
Nếu mỗi gia đình luôn có ý thức phân loại rác thải sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn. Vì môi trường xanh - sạch - đẹp mỗi người dân và mỗi hộ gia đình hãy thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
Nguồn: Theo Trang Thông Tin Điện Tử Huyện Vĩnh Cửu, "Chú trọng phân loại rác tại nguồn", đăng ngày 27/02/2025 xem tại link: https://vinhcuu.dongnai.gov.vn/pages/newsdetail.aspx?NewsId=11473&CatId=119, truy cập ngày 27/03/2025