Thay đổi thói quen dùng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp

Monday, 26/02/2024, 09:25 GMT+7

Trước tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ, các chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp; làm thế nào để có các sản phẩm an toàn từ khâu sản xuất của người nông dân đến hoạt đông mua bán của các thương lái đến chợ đầu mối cũng như các nhà cung ứng là bài toán đang được đặt ra nhiều năm nay.

Hiểu đúng, hiểu đủ về thuốc bảo vệ thực vật

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiển, đại diện Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA), hiện nay, nhận thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong nông nghiệp... còn nhiều hạn chế.

Thuốc bảo vệ thực vật

Người dân huyện Bắc Hà, Lào Cai chăm sóc vườn chè cổ thụ theo hướng hữu cơ

"Người nông dân không được nghe trực tiếp các nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật thông tin về hiệu quả, liều lượng sử dụng, mà chỉ thông qua các đại lý. Dẫn đến tình trạng không hiểu rõ, sử dụng sai cách thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản... trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Thực chất, nếu dùng đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời gian cách ly, sẽ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn".

Trước thực tế đó, ông Hiển cho rằng, việc truyền thông để người tiêu dùng hiểu đúng, hiểu đủ về thuốc bảo vệ thực vật, và sử dụng một cách an toàn để đảm bảo an toàn thực phẩm trong nông nghiệp là điều cần thiết. "Đặc biệt, cần đưa những thông tin chính thống về các đơn vị vi phạm, cạnh tranh thiếu lành mạnh, thu lợi bất chính… như một hồi chuông cảnh báo cho bà con nông dân. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có biện pháp xử lý các pháp nhân, cá nhân liên quan đến thực phẩm không an toàn. Việc này cũng sẽ giải được "nỗi oan" cứ dùng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất kích thích trong sản xuất nông nghiệp là không tốt, là vi phạm", ông Hiển nói.

Không dùng thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi

Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật thường được bà con sử dụng phòng trừ sâu bệnh, dịch hại. Tuy nhiên, khi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đặc biệt các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ tác động không nhỏ tới môi trường và sức khoẻ con người. Nhận thức được điều này, bà con vùng cao dần thay đổi thói quen, nói không với thuốc bảo vệ thực trôi nổi in chữ nước ngoài, nhập lậu... Bà Lù Thị Phương ở thôn Na Hạ, xã Lùng Vai (huyện Mường Khương, Lào Cai) cho biết, trước đây, khi nào cần dùng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, bà chờ đến chợ phiên mua về phun, chứ không quen vào cửa hàng vì nó xa quá. Ở chợ cũng đều là bà con mình bày bán nên thành ra mua quen. Song từ khi biết tác hại của những loại thuốc không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe, cây trồng, đất đai, bà không mua thuốc ở các chợ nữa. "Giờ tôi vào cửa hàng vật tư nông nghiệp uy tín, được Nhà nước cấp phép để chọn mua. Không những thế còn được hướng dẫn kỹ hơn nhiều. Sử dụng thuốc cũng yên tâm và hiệu quả hơn các loại thuốc lậu có chữ nước ngoài".

Quản lý chặt chẽ thị trường vật tư nông nghiệp

Từ thực trạng tại các huyện biên giới, việc kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, đặc biệt thuốc trừ cỏ nhập lậu diễn ra phức tạp tại các chợ phiên vùng cao, các cửa hàng, hộ kinh doanh cá thể... Do vậy, ngay từ đầu năm, tỉnh Lào Cai đã có chỉ đạo tăng cường công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn việc nhập lậu, kinh doanh, buôn bán, lưu thông thị trường thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc.

Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Người nông dân Lào Cai đang chuyển sang trồng rau màu theo hướng hữu cơ

Các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tuyên truyền cho nhân dân không nhập lậu, tiếp tay cho việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu; Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khi thật sự cần thiết chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam… Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm trong hoạt động kinh doanh, buôn bán, lưu thông thị trường thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Văn Bình, chủ một điểm bán thuốc bảo vệ thực vật cho biết, thuốc trừ cỏ sinh học trong nước sản xuất diệt trừ hầu hết các loại cỏ dại lá rộng và lá hẹp như: Cỏ tranh, trinh nữ (xấu hổ), dền gai, mần trầu, cỏ túc, cỏ cú, cỏ gấu, thài lài, cỏ gừng, lồng vực cạn... cho thấy hiệu quả cao. Các loại thuốc này không chứa các chất nằm trong danh mục cấm, trong khi đó, giá thành lại hợp lý nên được người tiêu dùng chọn mua. Ngay cả những loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu cũng không thể cạnh tranh được về giá, về chất lượng đối với sản phẩm trong nước. Có lẽ vì thế các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc dần dần ít xuất hiện ở các chợ phiên vùng cao.

Thay đổi thói quen và nhận thức của người dân

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương (Lào Cai) cho biết, ngành nông nghiệp đã thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó chỉ sử dụng các loại thuốc được phép trong danh mục theo quy định của Bộ NN-PTNT; sản xuất theo yêu cầu của đối tác thu mua nông sản nhất là cây chè, dứa... Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng để hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật phải sử dụng gồm: Đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng thời điểm, đúng cách. Bởi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng thời điểm thì sử dụng nhiều lần cũng không có tác dụng gì.

"Chúng tôi tuyên truyền cho bà con tác hại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, không trong danh mục, không kiểm soát được hoạt chất bên trong là gì, độc ở mức độ nào. Có những loại thuốc cực độc khi sử dụng sẽ tồn tại trong môi trường lâu dài, thấm vào đất, thấm vào nước gây ảnh hưởng sức khỏe con người, cây trồng", ông Lê Thanh Hoa nói. Trong khi đó, bà Cao Thị Hòa Bình, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh phát triển cây ăn quả ôn đới theo hướng hữu cơ. Ví dụ, Si Ma Cai có vùng sản xuất nông nghiệp với tập quán canh tác truyền thống, chưa chịu nhiều tác động từ phân bón, chất bảo vệ thực vật hóa học nên có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Hiện nay, các cơ quan chuyên môn cùng chính quyền địa phương đang phối hợp phát triển mô hình cây ăn quả theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Tại thôn Seng Sui, xã Lùng Thẩn, 60ha cây ăn quả ôn đới gồm mận, lê đang được chuyển sang sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ từ năm 2022. Thực hiện mô hình này, người dân đã áp dụng các biện pháp, quy trình theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn như: Không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; sử dụng lưới che chắn gió, mưa đá, bọc quả, dùng bẫy để bảo vệ cây trồng trước những tác động của ngoại cảnh...

Nguồn: Tạp chí điện tử Kinh tế nông thôn

Reviews