Thành phố Hồ Chí Minh: Các khu dân cư thực hiện bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp

Friday, 26/07/2024, 02:14 GMT+7

Trong các khu dân cư nếu không được thu gom, xử lý phù hợp, các chất thải như pin, bóng đèn... sẽ phát tán các kim loại nặng như chì, kẽm, thủy ngân...gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực hiện trách nhiệm được giao tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt số 9368/BTNMT-KSONMT. Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm:  chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Pin, bóng đèn…là những chất thải đã được nhận diện và thể hiện trong hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

chất thải sinh hoạt

Hình ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 6 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 73 Luật Giá 2023 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024), UBND tỉnh quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn

Như vậy, UBND tỉnh quy định chi tiết toàn bộ các khâu từ phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có thực hiện phân loại riêng đối với pin, bóng đèn…; hay thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành bao nhiêu loại cần tuân thủ theo hướng dẫn chi tiết của UBND thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh quy định về màu sắc, quy cách, kiểu dáng, kích thước cụ thể, thể tích bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt. Bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt, thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt phù hợp theo các loại chất thải rắn sinh hoạt được yêu cầu thực hiện phân loại. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 6 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải quy định tại khoản 1 Điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đã quy định: Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư, tòa nhà văn phòng phải bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành để phục vụ nhu cầu thải bỏ chất thải rắn sinh hoạt của tất cả người dân sinh sống tại khu đô thị mới, chung cư, tòa nhà văn phòng đó; Điểm tập kết phải bố trí thiết bị lưu chứa chất thải có dung tích phù hợp với thời gian lưu giữ, bảo đảm không rò rỉ nước ra môi trường; thực hiện vệ sinh, phun khử mùi sau khi kết thúc hoạt động.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường, "Các khu dân cử phải bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp", đăng ngày 22/07/2024, xem tại link:https://www.monre.gov.vn/Pages/cac-khu-dan-cu-phai-bo-tri-diem-tap-ket-chat-thai-ran-sinh-hoat-phu-hop.aspx?cm=M%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng, truy cập ngày 26/07/2024

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Reviews