Quản lý chất thải rắn đảm bảo vệ sinh môi trường

Wednesday, 14/08/2024, 02:07 GMT+7

Cùng với việc chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn, các địa phương cũng đề ra mục tiêu cụ thể về công tác này.

Cụ thể mục tiêu

UBND tỉnh Cao Bằng vừa ban hành Kế hoạch số 2015/KH-UBND ngày 7/8/2024 về việc triển khai Đề án phân loại, xử lý, tái chế chất thải rắn (CTR) tập trung và phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025.

Đề án đề ra các mục tiêu cụ thể, phấn đấu đạt 90% tỷ lệ CTR sinh hoạt tại các đô thị được phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT; 60% tỷ lệ CTR sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được phân loại thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung, đáp ứng yêu cầu BVMT; tỷ lệ CTR nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT đạt 30%; đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý CTR sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%; hoàn thành, đưa vào hoạt động 10 lò đốt chất thải sinh hoạt đảm bảo quy chuẩn Việt Nam về môi trường; trên 80% bãi chôn lấp rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường; 100% trung tâm thương mại, siêu thị có sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường và thay thế khoảng 80% túi nilon khó phân hủy.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 2 mô hình phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt đảm bảo quy chuẩn Việt Nam về môi trường sinh hoạt, từng bước triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh; 100% tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, phổ biến quy trình phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt đảm bảo quy chuẩn việt nam về môi trường; 100% tỷ lệ CTR công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo yêu cầu BVMT.

90% tỷ lệ CTR nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT; 80% tỷ lệ CTR từ hoạt động chăn nuôi, gia súc, gia cầm phải được thu gom, xử lý bằng bể biogas hoặc sản xuất thành phân compost và xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT; 90% tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, tái chế, phấn đấu đạt 50% tỷ lệ bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp phải được thu gom, lưu giữ, xử lý theo quy định; 100% tỷ lệ CTR y tế được phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT.

Các huyện, Thành phố phấn đấu xây dựng, bố trí ít nhất 1 bãi tập kết, xử lý CTR xây dựng phát sinh, 90% tổng lượng CTR xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT, trong đó: 60% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm, vật liệu tái chế bằng công nghệ phù hợp, phấn đấu đến năm 2025, 80% bùn bể tự hoại thu gom của các đô thị được xử lý đảm bảo môi trường.

Hình ảnh minh họa 

Tăng cường quản lý

UBND tỉnh Long An vừa ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để bảo đảm mỹ quan, không để xảy ra ô nhiễm môi trường từ việc vứt, tập kết, đổ và đốt chất thải rắn sinh hoạt trên các khu đất trống và các tuyến đường giao thông (đường liên xã, đường liên tỉnh, quốc lộ...) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi và giám sát việc vứt, tập kết, đổ và đốt chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm đúng quy định; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường nhất là việc phân loại, tập kết, vứt và đổ chất thải đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị quan tâm bố trí ngân sách để lắp đặt thêm camera giám sát phục vụ công tác theo dõi và giám sát tình trạng vứt, tập kết, đổ và đốt chất thải rắn sinh hoạt tại các khu đất trống và các tuyến đường giao thông. Công an và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác kiểm tra theo thẩm quyền để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và các hành vi vi phạm về quản lý chất thải rắn theo đúng quy định; xem xét, giao nhiệm vụ hoặc đề nghị các tổ chức đoàn thể, hội quan tâm, tăng cường dọn dẹp, vệ sinh, bảo vệ môi trường nhất là khu vực công cộng...

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và Sở Công Thương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện làm việc và yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đi vào hoạt động phải có phương án/biện pháp bảo vệ vị trí và ranh giới khu đất nhằm tránh tình trạng là điểm tập kết chất thải gây ô nhiễm môi trường; trường hợp chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp không chấp hành thì phải có chế tài xử lý hoặc tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết theo quy định.

Đồng thời, UBND tỉnh giao Công an tỉnh huy động lực lượng và tăng cường chỉ đạo các lực lượng sử dụng nghiệp vụ trinh sát, nắm bắt tình hình, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và các hành vi vi phạm về quản lý chất thải rắn; đặc biệt là hành vi chuyển giao, vận chuyển và xử lý chất thải không đúng quy định, đốt chất thải, đổ trộm chất thải, phế thải xây dựng không đúng nơi quy định trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Bộ tài nguyên và môi trường " Quản lý chất thải rắn đảm bảo vệ sinh môi trường ", Đăng ngày 13/08/2024 , xem tại link " http://www.monre.gov.vn/Pages/quan-ly-chat-thai-ran-dam-bao-ve-sinh-moi-truong.aspx?cm=M%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng ", truy cập ngày 14/08/2024

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Reviews