Phân loại chất thải tại nguồn là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bước đầu giải bài toán bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, môi trường nước ta đang tiếp tục chịu sức ép lớn từ nguồn chất thải rắn sinh hoạt. Ước tính khoảng trên 60.000 tấn thải ra mỗi ngày. Một số địa phương đã xuất hiện các điểm “nóng” về môi trường và rõ hơn ở các khu đô thị lớn với nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa triển khai thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ.
Để việc phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra những quy định mang tính đột phá, đề ra lộ trình và huy động các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội triển khai.
Nỗ lực phân loại rác thải hỗn hợp mở ra khả năng thu hồi đối đa tài nguyên có thể tái chế. Thông qua hoạt động này, có thể phục hồi các vật liệu có khả năng tái chế, qua đó bảo tồn các nguồn tài nguyên hữu hạn và giảm lượng khí thải.
Tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Dẫu vậy, việc phân loại rác thải còn nhiều trở ngại bởi các mô hình mới được thực hiện tại nguồn, chưa thiết lập thành chuỗi quy trình phân loại trong thu gom.
Luật Bảo vệ môi trường quy định việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Như vậy, còn 5 tháng thực hiện việc phân loại, thu phí chất thải rắn sinh hoạt. Theo các chuyên gia cho biết, yêu cầu tiên quyết là tổ chức khoa học, bài bản, khẩn trương, quyết tâm của người lãnh đạo từng địa phương các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia của người dân cũng như doanh nghiệp sản xuất, chủ nguồn xả thải. Phân loại, tính phí chất thải sinh hoạt... tất cả đều hướng tới mục tiêu giảm lượng rác thải ra môi trường.
Ngoài tăng cường hoàn thiện các cơ chế, chính sách, theo các chuyên gia và nhà khoa học cũng như ý kiến thực tế của các địa phương cần tăng cường hoạt động truyền thông, hướng dẫn nghiệp vụ, phát động rộng khắp phong trào, mô hình bảo vệ môi trường, trong đó đưa chính sách thu phí chất thải rắn sinh hoạt có sức sống bền vững nhất.
Ngày 01/01/2022 là thời điểm Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực. Nhiều quy định mới liên quan tới việc thu gom rác thải sinh hoạt đã được truyền thông mạnh mẽ tới từng hộ gia đình, trong đó “bắt đầu thu phí rác thải dựa theo khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại” và “không phân loại rác thì bị từ chối thu gom” là hai nội dung nổi bật. Theo đó, khối lượng, “thể tích” rác thải sau khi được phân loại được coi là một yếu tố cấu thành nên giá dịch thu gom rác thải sinh hoạt mà mỗi hộ gia đình, cá nhân phải trả hàng tháng.
Để triển khai phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên cả nước từ năm 2025, Bộ TN&MT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Mới đây nhất là hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1 điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Trong đó, Nhóm 1 là Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, bao gồm: Giấy thải; Nhựa thải; Kim loại thải; Thuỷ tinh thải; Vải, đồ da; Đồ gỗ; Cao su; Thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Nhóm 2 là chất thải thực phẩm bao gồm: Thức ăn thừa; Thực phẩm hết hạn sử dụng; Các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; Các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thuỷ, hải sản. Nhóm 3 là chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: Chất thải nguy hại; Chất thải cồng kềnh; Chất thải khác còn lại.
Trong hướng dẫn kỹ thuật còn có hình minh hoạ, hướng dẫn rõ cách sơ chế, làm sạch cơ bản các loại rác trước khi phân loại. Ví dụ như giấy thải, nhựa thải, kim loại thải thì loại sản phẩm chứa đựng bên trong sau đó thu gọn, ép dẹt, giảm kích thức, thể tích.
Đối với vải, đồ da, đồ gỗ có thể tái sử dụng đối với các đồ còn sạch, nguyên vẹn hoặc thu gọn. Các thiết bị điện, điện tử thì giữ nguyên hình dạng, không tháo dời. Đối với nhóm chất thải thực phẩm cần bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi, bao bì kín, không rò rỉ, ngăn ngừa mùi phát tán. Với chất thải nguy hại cần bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi, bao bì để an toàn, tránh phát tán ra ngoài môi trường. Chất thải cồng kềnh cần thu gọn, giảm thể tích, nếu tháo dỡ thì các bộ phận sau tháo dỡ được phân loại vào các nhóm chất thải tương ứng.
Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương để tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân. Bên cạnh đó, Bộ sẽ rà soát, kiểm tra các địa phương đã và đang triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn để xem địa phương có thực hiện theo đúng các quy định của Luật hay không. Bộ cũng sẽ phối hợp với các địa phương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ để có hỗ trợ nguồn lực đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý rác.
Theo Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Công Thương, "Phân loại chất thải tại nguồn: Bước đầu giải bài toán bảo vệ môi trường", đăng ngày 11/03/2024, xem tại link: https://moit.gov.vn/bao-ve-moi-truong/phan-loai-chat-thai-tai-nguon-buoc-dau-giai-bai-toan-bao-ve-moi-truong.html, truy cập ngày 17/07/2024.