Chiều ngày 30/08/2024, tại Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Hồ Xá, Huyện Vĩnh Linh đã tổ chức Hội thảo tập huấn, tuyên truyền phân loại rác thải sinh hoạt, thu gom rác thải nhựa trong trường học và ký “Văn bản thỏa thuận tiếp nhận vỏ hộp giấy, rác thải nhựa”. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh, đại diện Ủy ban nhân dân Huyện Vĩnh Linh, đại diện các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện và hơn 44 Ban giám hiệu các trường Mầm non, Tiểu học trên địa bàn huyện và đại diện Công ty Môi Trường Á Châu (đơn vị cung cấp giải pháp, thu gom vỏ hộp sữa, chất thải tái chế, tái sử dụng).
Các đại biểu tham dự hội thảo
Đại diện Phòng Giáo dục và Đạo tạo Huyện Vĩnh Linh đặt vấn đề, khai mạc Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Hùng Trí - chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Hội thảo
Hoạt động này hướng đến mục đích hướng dẫn học sinh phân loại, thu gom vỏ hộp sữa tại trường học nhằm mục đích tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của học sinh đối với môi trường xung quanh. Qua đó, học sinh hiểu được vai trò quan trọng và ý nghĩa của việc phân loại, thu gom, tái chế chất thải; tạo môi trường học tập và sinh hoạt xanh - sạch - đẹp - an toàn cho học sinh, viên chức và người lao động tại các trường học.
Đồng thời, góp phần giảm khối lượng rác thải xử lý theo phương pháp chôn lấp hoặc đốt - tiết kiệm tài nguyên đất; tăng cường hoạt động tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa, vỏ hộp giấy trong trường học giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo nguồn, gây quỹ phục vụ các hoạt động ngoại khóa khác tại các nhà trường. Từ đó, tiến tới nhân rộng, xây dựng kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học triển khai trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Tại đây Môi Trường Á Châu có gian hàng sản phẩm tái chế, tái sử dụng và rất nhiều chai lọ mẫu chất thải, bài trình bày chia sẻ mô hình sắp tới sẽ thực hiện thu gom vỏ hộp sữa tại 44 điểm trường trên địa bàn Huyện Vĩnh Linh. Ngoài ra còn chia sẻ các giải pháp quản lý và dự án môi trường mà Môi Trường Á Châu đang triển khai.
Đại diện Công ty Môi Trường Á Châu chia sẻ kế hoạch triển khai chương trình thu gom tái chế vỏ hộp sữa và dự án đến Hội thảo
Các đại biểu ghé thăm gian hàng
Tại Hội thảo, Đại diện Công Ty Môi Trường Á Châu và Lãnh đạo các Trường học trên địa bàn đã ký cam kết văn bản thỏa thuận tiếp nhận vỏ hộp giấy, rác thải nhựa với Công ty môi trường Á Châu.
Các đơn vị ký cam kết văn bản thỏa thuận về thu gom vỏ hộp giấy, rác thải nhựa với đại diện Công ty Môi Trường Á Châu
Nhân dịp này, Công Ty Môi Trường Á Châu cũng đã trao tặng thùng lưu chứa rác thải 120 lít cho huyện Vĩnh Linh.
Công ty Môi Trường Á Châu tặng thùng rác nhựa công cộng cho huyện Vĩnh Linh
Vỏ hộp giấy, rác thải nhựa được thu hồi, tái chế góp phần tích cực trong tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng, gián tiếp giảm một phần rác thải tái chế đi vào bãi chôn lấp và áp lực xử lý rác thải đầu cuối. Theo thoả thuận giữa hai bên, Công ty Môi Trường Á Châu sẽ thực hiện thu gom vỏ hộp sữa, chất thải có thể tái chế, tái sử dụng của 44 trường, với 2 cấp học gồm: Mầm non và Tiểu học. Thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 9 năm 2024 trở đi. Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với quy định của pháp luật.
Vỏ hộp giấy sau khi được phân loại sẽ được Công ty TNHH MTV SX TM Dịch vụ Môi Trường Á Châu thu gom, vận chuyển chuyển giao đơn vị để tái chế. Ngoài vỏ hộp giấy, Công ty Môi trường Á Châu còn khuyến khích thu gom quần áo cũ, các loại rác thải có thể tái chế và đồng xử lý, xử lý có lợi cho môi trường; hạn chế rác thải chôn lấp.
Các loại chất thải được thu gom theo tần suất cố định.
Với định hướng "Chất thải là Tài Nguyên" - Môi Trường Á Châu mong muốn đồng hành sâu rộng cùng các trường học, cơ quan, tổ chức, cá nhân, các nhãn hàng, tập đoàn, nhà máy …và các dự án môi trường từ các tổ chức trong và ngoài nước. Thực hiện tư vấn, cung cấp tài liệu, tuyên truyền và cung cấp giải pháp quản lý chất thải bền vững theo thứ tự ưu tiên: Tái sử dụng – tái chế - đồng xử lý – và các giải pháp quản lý chất thải bền vững theo định hướng nền kinh tế tuần hoàn.