29/9 là Ngày quốc tế nhận thức về tổn thất và lãng phí thực phẩm. Ngày này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2020 nhằm kêu gọi sự chú ý của thế giới đến một trong những vấn đề quan trọng có tác động tới an ninh lương thực, môi trường, công bằng xã hội, phát triển bền vững. Chủ đề của năm nay là “Giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm: Hành động để chuyển đổi hệ thống thực phẩm”.
Số liệu năm 2019 của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) chỉ ra, toàn cầu có khoảng 14% thực phẩm bị tổn thất từ sau thu hoạch tới trước khâu bán lẻ, cộng thêm 17% thực phẩm bị lãng phí ở khâu bán lẻ và tiêu dùng. Đại dịch Covid-19 và khủng hoảng Ucraina dẫn tới những đứt gãy trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu làm cho vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn.
GS. Miranda Mirosa từ Đại học Otago, New Zealand phát biểu tại Hội thảo của ISO ngày 19/9/2023 (1), tỷ lệ tổn thất và lãng phí thực phẩm toàn cầu đã lên tới con số 40% trong toàn chuỗi thực phẩm. Tổn thất và lãng phí thực phẩm “đóng góp” khoảng 10% lượng khí nhà kính do con người gây ra.
Tổn thất và lãng phí thực phẩm được thế giới nhận diện và Liên hợp quốc đưa vấn đề này vào Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Theo đó, đến năm 2030 thế giới phấn đấu giảm 50% lãng phí thực phẩm ở khâu bán lẻ và tiêu dùng, giảm tổn thất thực phẩm trong sản xuất và chuỗi cung ứng, gồm cả tổn thất sau thu hoạch (mục tiêu 12.3). Đây là mục tiêu đầy thách thức vì theo thống kê của FAO, tỷ lệ này ở tất cả khu vực trên thế giới hiện nay vẫn tiếp tục gia tăng.
Hình ảnh minh họa
Tại Việt Nam, tổn thất và lãng phí thực phẩm được cho là có tỷ lệ lớn hơn tỷ lệ trung bình trên thế giới và đứng đầu trong ASEAN. Theo Ngân hàng thực phẩm Việt Nam (Foodbank Vietnam)(2), tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch (cho đến trước bán lẻ) của Việt Nam là 25%, so với mức bình quân khoảng 14% của thế giới.
Công nghệ thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến và vận chuyển còn kém được xem là nguyên nhân dễ nhìn thấy của vấn đề. Một loạt nguyên nhân khác có thể kể đến là việc sản phẩm không đảm bảo an toàn, không được sản xuất theo tiêu chuẩn dẫn đến bị hỏng hoặc bị trả về, giá trị nông sản thấp dẫn tới các biện pháp giảm tổn thất có chi phí tương đối cao khi so với giá trị nông sản…
Mặt khác, một đặc thù ở Việt Nam là việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp đâu đó vẫn còn thiếu tầm nhìn, định hướng khiến cho xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”, người dân bỏ không thu hoạch, hoặc phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu tiểu ngạch dẫn đến ùn ứ ở cửa khẩu làm sản phẩm hỏng, phải tiêu hủy.
Ngoài nhóm nguyên nhân trực tiếp liên quan đến quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm thì nhiều nguyên nhân cũng được chỉ ra như nhận thức của các bên quan tâm đến vấn đề này còn thấp, phương pháp đo lường (thống kê, tính toán) còn chưa thống nhất, ở nhiều nước cách thống kê còn thiếu độ tin cậy, thiếu chính sách và quy định pháp luật nhằm giảm thiểu tổn thất và lãng phí thực phẩm, thiếu sự hợp tác giữa các bên (nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, đào tạo…), thiếu tiêu chuẩn…
Năm 2016, Pháp là quốc gia đầu tiên có lệnh cấm tiêu hủy thực phẩm ở khâu bán lẻ, nhà hàng và cơ sở sản xuất. Điều này thúc đẩy các cơ sở sản xuất, cửa hàng, nhà hàng tìm biện pháp khác nhau để xử lý thực phẩm dư thừa như chuyển giao thực phẩm cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm để phân phối cho người nghèo đói; chế biến thành những sản phẩm khác thích hợp cho người; chế biến thành thức ăn chăn nuôi và cuối cùng là dùng để sản xuất năng lượng. Pháp cũng có sáng kiến đưa ra nhãn chống lãng phí thực phẩm nhằm phản ảnh mức độ tuân thủ quy định về chống lãng phí thực phẩm.
Tại Châu Âu, bắt đầu từ năm 2022, tất cả các nước EU đều phải thực hiện báo cáo về thực phẩm hàng năm. Việc này bắt buộc các nước phải quan tâm đến vấn đề tổn thất và lãng phí thực phẩm. Còn tại Trung Quốc, các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở đã được xây dựng nhằm giảm thiểu tổn thất và lãng phí thực phẩm.
Ở cấp độ toàn cầu, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã thành lập Tiểu Ban kỹ thuật ISO TC 34/SC 20 về Tổn thất và lãng phí thực phẩm. Hiện nay, Tiểu Ban này đang tích cực xây dựng tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về hệ thống quản lý nhằm giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm trong toàn chuỗi cung ứng (Tiêu chuẩn ISO 20001). Đây là nỗ lực lớn của ISO trong việc giải quyết các nhu cầu của thời đại.
Tổn thất và lãng phí thực phẩm là vấn đề lớn đối với phát triển bền vững. Giải quyết bài toán này đòi hỏi sự quan tâm và vào cuộc của các bên liên quan từ Chính phủ đến doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng, các nhà khoa học và từng cá nhân. Chỉ có sự phối hợp có hệ thống của tất cả các bên mới có thể giúp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Nguồn: Ủy Ban Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng Quốc Gia " Giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm – cuộc chiến đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội", đăng ngày 29/09/2023, xem tại link " https://tcvn.gov.vn/giam-ton-that-va-lang-phi-thuc-pham-cuoc-chien-doi-hoi-su-tham-gia-cua-toan-xa-hoi/29/09/2023/ ", truy cập ngày 10/09/2024.