Xây dựng Mạng lưới các thành phố bền vững về môi trường ASEAN của Việt Nam

Thứ 3, 04/09/2018, 08:12 GMT+7

mang_nmang

Sáng 30/8, tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng, đại diện cho Tổng cục Môi trường đã chủ trì Hội thảo “Xây dựng mạng lưới các thành phố bền vững về môi trường ASEAN của Việt Nam” với mục đích tạo diễn đàn chia sẻ, thảo luận các giải pháp để xây dựng được mạng lưới các thành phố bền vững về môi trường của Việt Nam, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để xây dựng các mô hình điểm về quản lý và bảo vệ môi trường đô thị.

​Tham dự Hội thảo có đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và địa phương; các viện nghiên cứu; các chuyên gia.

Phát triển bền vững là xu hướng của nhiều đô thị trên thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh và phức tạp. Đây cũng là Mục tiêu thứ 11 trong 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) được Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015. Tại khu vực ASEAN, từ sáng kiến của nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao Đông Á lần thứ 3 được tổ chức tại Singapore vào tháng 11/2007, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường cấp cao Đông Á lần đầu tiên vào năm 2008. Từ đó, hoạt động xây dựng thành phố bền vững về môi trường đã trở thành lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong hợp tác về môi trường giữa các quốc gia Đông Á và được tổ chức thường niên tại các nước thành viên ASEAN. Hoạt động của Nhóm công tác ASEAN thành phố bền vững về môi trường hết sức đa dạng, đặc biệt là Chương trình mô hình các thành phố bền vững về môi trường với sự tài trợ của Quỹ ASEAN-Nhật Bản. Đến nay, đã có 41 thành phố trong khu vực tham gia xây dựng mô hình thành phố bền vững môi trường để cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm tốt từ các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn, các đô thị phát triển vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Do đó, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động của Nhóm công tác ASEAN thành phố bền vững về môi trường; đã phối hợp với các nước triển khai thành công Chương trình Giải thưởng các thành phố bền vững về môi trường ASEAN được trao 2 năm/lần cho các thành phố đáp ứng các tiêu chí chung về đất sạch, nước sạch và không khí sạch. Đến nay, Việt Nam vinh dự có các Thành phố Hạ Long, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt được nhận Giải thưởng này và đặc biệt Thành phố Cần Thơ được Chứng nhận thành phố bền vững về môi trường ASEAN.

Trong phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hưng Thịnh cho biết Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, là một trong 4 thành phố bền vững về môi trường của Việt Nam, việc tổ chức hội thảo tại Thành phố này thể hiện quyết tâm của Tổng cục Môi trường trong việc đồng hành cùng các địa phương trong quá trình xây dựng, phát triển các thành phố theo hướng phát triển bền vững, vì môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp.  

Ông Nguyễn Hưng Thịnh cũng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ một số nội dung chính sau:

Một là, trao đổi, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của các địa phương trong việc giải quyết an toàn các vấn đề môi trường trong quá trình phát triển của các đô thị. Đồng thời cũng chia sẻ, nhận diện các khó khăn, thách thức của các thành phố đang trong quá trình phấn đấu trở thành thành phố bền vững về môi trường cũng như các thành phố đã được vinh danh là thành phố phát triển bền vững về môi trường.

Hai là, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc thúc đẩy hợp tác của các địa phương với các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức này trong quá trình địa phương thực hiện chương trình xây dựng thành phố bền vững về môi trường trong tương lai.

Ba là, trao đổi, thống nhất các giải pháp để tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Tổng cục Môi trường với các cơ quan liên quan, các địa phương nhằm thiết lập và duy trì mạng lưới trong quá trình xây dựng các mô hình điểm về quản lý và bảo vệ môi trường đô thị để phát huy và nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Hy vọng rằng, với sự quyết tâm cao của lãnh đạo, nhân dân các địa phương, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của Tổng cục Môi trường và các tổ chức quốc tế, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có thêm nhiều thành phố được vinh danh, đón nhận danh hiệu thành phố bền vững về môi trường. 

>>Xem thêm: Xây dựng Mạng lưới các thành phố bền vững về môi trường ASEAN của Việt Nam

Theo Thế Dương/Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Môi trường

 

Ý kiến bạn đọc