Tình hình phát sinh chất thải nguy hại

Thứ 2, 11/05/2020, 04:00 GMT+7

Chất thải công nghiệp nguy hại

Theo báo cáo của các địa phương, lượng chất thải nguy hại phát sinh trong khoảng 874.589 tấn. Ước tính trong chất thải rắn công nghiệp, lượng chất thải nguy hại chiếm tỷ lệ khoảng 20 -  30%. Tỷ lệ này thay đổi tùy loại hình công nghiệp, trong đó ngành cơ khí, điện, điện tử, hóa chất là những ngành có tỷ lệ chất thải nguy hại cao. Chất thải nguy hại phát sinh từ các khu công nghiệp của khu vực phía Nam khoảng 82.000 - 134.000 tấn/năm, cao hơn các khu vực khác (gấp 3 lần miền Bắc và khoảng 20 lần miền Trung). Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu đã đưa chất thải nguy hại chủ yếu là phế liệu kim loại, nhựa, săm lốp cao su thải, vỏ ôtô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng về Việt Nam.

Chất thải nguy hại khu vực nông thôn

Mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nguy hại, như bao bì và thùng chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độ độc hại cao đã bị cấm sử dụng. Lượng thuốc bảo vệ thực vật còn bám lại trên vỏ bao bì, các chai lọ hoặc các gói hóa chất chiếm tới 1,85% tỷ trọng bao bì. Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý. Những loại chất thải nguy hại của ngành nông nghiệp có tính độc hại rất cao, phát tán nhanh trong môi trường nước, rất dễ bay hơi và khuếch tán trong không khí, nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả và triệt để sẽ gây ra những tác động đến môi trường.

Chất thải y tế nguy hại

Tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 21.374 tấn (tăng 591 tấn so với năm 2017), trong đó, chất thải lây nhiễm là 19.370 tấn và chất thải không lây nhiễm là 2.004 tấn. Lượng chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý là 21.185 tấn/năm (chiếm 99,1%); trong đó, chất thải lây nhiễm được xử lý là 19.205 tấn/năm (chiếm 99,1%), chất thải không lây nhiễm được xử lý là 1.982 tấn/năm (chiếm 98,9%).

Đến nay, có 118 cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép với công suất xử lý khoảng 1.500 nghìn tấn/năm (tăng 05 cơ sở so với năm 2017).

 

 

CTTĐT

Ý kiến bạn đọc