Thay đổi công nghệ xử lý chất thải, có cần báo cáo cơ quan môi trường?

Thứ 2, 11/05/2020, 04:01 GMT+7

Căn cứ Nghị đinh 40/2019/NĐ-CP đối với việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải thì thời gian vận hành từ 3 đến 6 tháng. Tần suất lấy mẫu thì theo điểm b, khoản 1 Điều 10 của Thông tư 25/2019/TT-BTNMT: “Thời gian đánh giá trong giai đoạn điều chỉnh hiệu suất từng công đoạn và hiệu quả của công trình xử lý nước thải ít nhất 75 ngày kể từ ngày bắt đầu vận hành thử nghiệm”.

Ông Trần Minh Thuận (Bình Dương) hỏi, nếu thời gian vận hành thử nghiệm kéo dài 6 tháng thì việc lấy mẫu trong giai đoạn hiệu chỉnh hiệu suất cũng chỉ lấy mẫu tối thiểu 75 ngày hay bắt buộc phải kéo dài gấp đôi (ví dụ 150 ngày)? Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có một số thay đổi về công nghệ xử lý của công trình xử lý chất thải (nếu được đánh giá là tốt hơn so với công nghệ đề xuất trong ĐTM) thì có tiến hành thực hiện vận hành thử nghiệm được hay không hay phải có sự chấp thuận của cơ quan chức năng về sự thay đổi này?

Về vấn đề này, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 16b Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, được bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ, thời gian vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải từ 3 đến 6 tháng kể từ thời điểm bắt đầu vận hành thử nghiệm.

Theo đó, trường hợp chủ dự án chỉ vận hành thử nghiệm trong khoảng thời gian 3 tháng thì thời gian đánh giá trong giai đoạn điều chỉnh hiệu suất từng công đoạn và hiệu quả của công trình xử lý nước thải ít nhất là 75 ngày kể từ ngày bắt đầu vận hành thử nghiệm (tần suất quan trắc nước thải tối thiểu là 15 ngày/lần). Trường hợp vận hành thử nghiệm trong khoảng thời gian 6 tháng thì thời gian đánh giá trong giai đoạn điều chỉnh hiệu suất từng công đoạn và hiệu quả của công trình xử lý nước thải là 150 ngày.

Trong quá trình hoạt động của cơ sở, trường hợp có thay đổi công nghệ xử lý của công trình xử lý chất thải theo hướng tốt hơn so với công nghệ đề xuất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường thì không phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành phải vận hành thử nghiệm và được kiểm tra, xác nhận theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ.

Chinhphu.vn

 

Ý kiến bạn đọc