Lo ngại gia tăng ô nhiễm môi trường từ phương tiện thủy

Thứ 2, 11/05/2020, 03:53 GMT+7

Tình trạng thuyền viên phương tiện thủy xả thẳng rác thải sinh hoạt, vật dụng thải từ phương tiện ra sông khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu các quy định nhằm hạn chế xả thải trực tiếp nguồn nước thải từ tàu ra đường thủy.

Xả thẳng các loại nước thải ra sông

Sau mỗi lần tàu chở khách cập cảng thủy Bích Hạ, chị Nguyễn Thị Hòa, chủ, cũng là thuyền viên tàu du lịch Hòa Nguyên tại Khu du lịch hồ thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) cũng như các thuyền viên tàu khác đều quét dọn phương tiện sạch sẽ, thu gom túi nilon, vỏ đồ uống, rác thải mà hành khách để lại trên tàu và đưa đến các thùng rác lớn đặt tại cảng. Mỗi tuần khoảng 2 lần, đơn vị vệ sinh môi trường đã ký hợp đồng với cảng lại đưa xe đến thu gom, đưa rác thải về nơi xử lý.

Dù vậy, ông Lê Hồng Sơn, Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy Hòa Bình cho biết, còn nhiều loại chất thải khác chưa được kiểm soát, gây nguy hại cho môi trường tại khu vực cảng.

“Hiện các cảng, bến thủy trong khu vực mới chủ yếu quản lý rác thải dạng rắn từ tàu thuyền, còn chất thải từ phương tiện thủy như: Nước thải sinh hoạt, nước dằn, dầu mỡ từ tàu hay khí thải từ phương tiện chưa được kiểm soát, gây ô nhiễm cho nguồn nước và không khí”, ông Sơn nói.

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, việc chưa kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm nước, không khí từ phương tiện thủy cũng là thực trạng phổ biến tại hầu hết các cảng, bến thủy nội địa. Hiện, hầu hết phương tiện đều xả thẳng nước thải, nước dằn phương tiện ra môi trường, gây tác động xấu đến môi trường.

“Hầu hết phương tiện thủy không được trang bị hệ thống xử lý nước thải vệ sinh trên tàu, hoặc có thì cũng không đảm bảo tiêu chuẩn quy định nên đều xả thải thẳng từ phương tiện ra sông, kênh. Nước thải đáng quan tâm nhất là nước làm mát máy, nước dằn và nước thải sinh hoạt của các thuyền viên trên tàu, nước từ hệ thống vệ sinh, nhà bếp trên tàu.

Đối với nước làm mát máy và nước dằn tàu, khi nước được bơm từ sông lên hệ thống làm mát, nước được đi tới các bộ phận làm mát, trong quá trình làm mát nó bị nhiễm dầu mỡ từ các động cơ, bụi bẩn, rỉ sắt, nhiệt độ… sau khi cuốn theo các chất bẩn cũng được thải trực tiếp ra sông”, ông Trương Trọng Doanh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế Cục Đường thủy nội địa VN cho biết.

Bên cạnh đó, chất thải rắn phát sinh của phương tiện thủy như giẻ lau máy, vệ sinh hầm hàng, rác thải phát sinh từ sinh hoạt của thủy thủ trên tàu như: Thức ăn thừa, túi nilon, vỏ chai lọ, bìa carton, than đá, hàng hóa rời... chưa được kiểm soát, thu gom. Loại chất thải này trực tiếp thải xuống sông sẽ phát tán đi khắp nơi theo dòng chảy gây mất mỹ quan và cũng dần dần thành nguồn ô nhiễm đáng kể đối với nguồn nước sông.

“Hiện, chưa có quy định kiểm soát khí thải, tiếng ồn động cơ từ phương tiện thủy nên tại các nơi tập trung đông phương tiện, các chất thải độc hại có trong khí thải phương tiện thủy như: NOx, CO, HC, SOx cũng là nguồn góp phần gây ô nhiễm môi trường không khí, tăng hiệu ứng nhà kính”, Cục Đường thủy nội địa VN đánh giá.

Hoàn thiện quy định để thay đổi tập quán

Qua khảo sát thực tế gần đây, Cục Đường thủy nội địa VN đánh giá, các phương tiện thủy có trọng tải lớn được đóng mới thời gian gần đây được trang bị thiết bị về thu gom, lưu trữ môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, khá phổ biến tình trạng thuyền viên, chủ phương tiện, nhất là phương tiện cá nhân, hộ gia đình chưa ý thức đến việc bảo vệ môi trường.

“Theo khảo sát trong năm 2019 của Cục Đường thủy nội địa VN, đại đa số chất thải rắn phát sinh từ hoạt động ăn uống, sinh hoạt của thuyền viên trên tàu được xả trực tiếp xuống sông. Khi vào những vùng cảng có quy định chặt chẽ về việc thu gom, cấm xả rác xuống sông thì tất cả các phương tiện đều chấp hành nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, khu vực cảng áp dụng quy định này còn rất ít, chưa nhiều cảng bố trí thùng để thu gom rác từ phương tiện”.

Dễ nhận thấy nhất là việc xả thải chất thải rắn (rác thải sinh hoạt, nhựa, giẻ, vật dụng thừa...) xuống sông và điều này xuất phát từ tập quán của thuyền viên, người làm việc trên phương tiện thủy.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do còn thiếu các quy định về thu gom, xử lý chất thải từ phương tiện thủy nên chưa tác động mạnh đến ý thức bảo vệ môi trường của chủ phương tiện, thuyền viên.

Cụ thể, quy chuẩn quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy hiện còn thiếu quy định về trang thiết bị cho việc thu gom, lưu giữ chất thải rắn nguy hại, chất thải từ hệ thống bể phốt vệ sinh trên phương tiện cũng như việc chuyển giao chất thải nguy hại từ phương tiện cho đơn vị chức năng đi xử lý theo đúng yêu cầu của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại. Do đó, theo Cục Đường thủy nội địa VN, cần bổ sung quy định này vào quy chuẩn phương tiện để nâng hiệu quả bảo vệ môi trường.

Đề cập vấn đề trên, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm VN cho biết, hiện quy chuẩn kỹ thuật phương tiện thủy nội địa chưa quy định trang bị hệ thống xử lý nước thải từ phương tiện, cũng như chưa kiểm soát khí thải.

“Sắp tới, Cục Đăng kiểm VN sẽ đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung những quy định tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện thủy phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường”, ông Học nói.

Thực tế cho thấy, cùng với phương tiện thủy, khá nhiều cảng, bến thủy còn xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, trong đó có việc xử lý chất thải, nước thải có lẫn dầu của phương tiện tại cảng, bến. Vì vậy, ông Lê Hồng Sơn, Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy Hòa Bình cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm về môi trường trong Nghị định 132/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa nâng hiệu quả giám sát, xử lý vi phạm về môi trường tại cảng, bến thủy.

Nguồn: Báo Giao thông

Ý kiến bạn đọc