Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Thứ 5, 16/08/2018, 08:42 GMT+7

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tháng 4 vừa qua, HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình “Lắng nghe và trao đổi” với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”. Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh điều hành chương trình. Tham dự có Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm; Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải.

Mỗi ngày, trên toàn địa bàn TP phát sinh khoảng 8.300 tấn rác sinh hoạt, 1.500-2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200-1.600 tấn rác thải xây dựng, 22 tấn rác thải y tế và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại. Từ năm 2015 đến 2016, TP đã triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại 6 quận: 1, 3, 5, 6, 12, Bình Thạnh. Kể từ khi Nghị quyết số 03/NQ-HĐND và Quyết định số 1832/QĐ-UBND được ban hành, TP bước đầu ghi nhận được những kết quả nhất định, nhận được sự hưởng ứng, tham gia của người dân trong khu vực thí điểm phân loại khi người dân đã bắt đầu có ý thức chủ động phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, qua 9 tháng thực hiện Nghị quyết 03/NQ-HĐND, UBND TP đã ban hành 5 quyết định hướng dẫn cụ thể cho chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn từ việc tuyên truyền, kiểm tra giám sát, phân cấp về thu gom, vận chuyển, phân loại cụ thể ở từng hộ gia đình. Bước đầu, TP đã thay đổi về mô hình tổ chức các đơn vị thu gom rác, đã thành lập được 4 hợp tác xã mới và 20 công ty, nâng số lượng tham gia là 16 hợp tác xã và 80 công ty. TP cũng nghiên cứu thay đổi phương tiện thu gom và Samco đã hoàn thiện 5 mẫu xe để thay đổi các phương tiện hiện nay. TP đã duyệt quy hoạch các trạm trung chuyển trên toàn địa bàn TP để giúp xây dựng lại các trạm trung chuyển phù hợp và không gây ô nhiễm môi trường, đồng bộ, thống nhất với việc phân loại tại hộ gia đình.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn TP vẫn còn một số hạn chế như: Hiện nay, UBND TP còn hai quyết định rất quan trọng phải ban hành trong tháng 4 để giúp các địa phương thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn là quyết định giá dịch vụ trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác và quyết định quản lý chất thải rắn, trong đó có quản lý lực lượng quản lý rác dân lập hiện đã lỗi thời, lạc hậu. Hình thức tuyên truyền chưa phong phú. Việc tổ chức thực hiện chưa mang tính đồng bộ ở các quận - huyện. Việc triển khai hệ thống thu gom riêng của 2 loại chất thải mà TP đã quy định còn chậm. 

Nhiều giải pháp trong thời gian tới

Đề cập đến giải pháp thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, chuyên gia môi trường cho rằng: Để việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả cần triển khai đồng loạt chứ không nên làm thí điểm, cũng như thông tin về lợi ích cho người dân biết về phân loại rác tại nguồn. Nội dung tuyên truyền phải dựa trên hiệu quả đã thực hiện và công bố rộng rãi cho người dân biết, sử dụng công nghệ để giải pháp tuyên truyền có sức lan tỏa. Bên cạnh đó, TP cần có cơ chế để các cán bộ địa phương có đủ tâm huyết, sức lực giúp triển khai chương trình thành công, vì đây là những lực lượng nòng cốt; cũng như sự phối hợp giữa địa phương và cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. 

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong thời gian tới, TP sẽ xây dựng chiến lược tuyên truyền hiệu quả hơn, thường xuyên hơn và chuyên nghiệp hơn. Cụ thể, Sở được UBND TP giao trong tháng 4 phải làm xong video clip để người dân tải về thiết bị di động xem những thao tác phân loại hết sức đơn giản; triển khai các chính sách quản lý nhà nước, kiểm tra việc thực hiện các chính sách ở cơ sở và những người trực tiếp thực hiện nhằm giúp hiểu thông, hiểu rõ và nắm bắt những vấn đề vướng mắc để kịp thời giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ kiểm tra, giám sát và xử lý việc thực hiện quy định về phân loại rác tại nguồn, có biện pháp, chế tài đối với hành vi không phân loại rác tại nguồn; có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị mua xe, chuyển đổi phương tiện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, xử lý rác thải sinh hoạt là một nhu cầu của xã hội. Hiện nay, TP với mật độ dân số rất cao, mỗi ngày xử lý khoảng 8.300 tấn rác và dự kiến quy hoạch đến năm 2020 xử lý khoảng 11.000 tấn. Việc này đòi hỏi TP phải tính toán từ bây giờ để việc xử lý rác ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Trong thời gian tới, TP sẽ mời gọi các nhà đầu tư xử lý rác theo mô hình biến rác thành điện (điện rác); tiếp tục rà soát, triển khai hiệu quả Quyết định 1832/QĐ-UBND của UBND TP về ban hành Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020, trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường TP xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện của các quận - huyện để nhằm lắng nghe và tháo gỡ vướng mắc cho địa phương. Việc kiểm tra triển khai phân loại rác thải phải gắn với từng địa bàn và ở từng địa bàn phải có giải pháp khác nhau. TP khuyến khích các quận - huyện có giải pháp, kinh nghiệm để nhân rộng.

Ngoài ra, TP cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phân loại rác tại nguồn thông qua hình thức tuyên truyền trực quan như tổ chức các chuyến tham quan cho học sinh, đoàn viên, thanh niên,…

Kết luận chương trình, Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh đề nghị các sở-ngành, quận-huyện đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, phát huy hiệu quả hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt, các phương tiện truyền thông nhằm giúp cho người dân, người trực tiếp thu gom rác hiểu rõ ý nghĩa tích cực, hiểu rõ cách làm của mình về việc phân loại rác tại nguồn. UBND TP sớm ban hành quyết định liên quan đến giá dịch vụ thu gom rác và quyết định tổ chức quản lý lực lượng thu gom rác tại địa phương; xây dựng các chính sách, công khai quy trình, thủ tục để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ hợp tác vận chuyển, thu gom, xử lý rác để các đơn vị có điều kiện đầu tư chuyển đổi phương tiện cho việc lấy rác.

Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh cũng đề nghị các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, khu phố, tổ dân phố cần quan tâm phối hợp đồng bộ trong công tác tuyên truyền tổ chức triển khai thực hiện phân loại thu gom, vận chuyển rác, xử lý rác, nhất là việc vận chuyển, thu gom rác gắn với phong trào thi đua bảo vệ môi trường tại các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư; tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền, khen thưởng, xử phạt kịp thời nhằm thúc đẩy kế hoạch của UBND TP sớm hoàn thành góp phần xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình. 

Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh cho biết chương trình “Lắng nghe và trao đổi” kỳ tới có chủ đề: “Quản lý nguồn tài nguyên đất – Thực trạng và giải pháp”.   

Theo Minh Thư/HCM CityWeb

 
Ý kiến bạn đọc