Đà Nẵng: “Cuộc cách mạng” phân loại rác và mục tiêu nâng tỷ lệ chất thải rắn được tái sử dụng, tái chế lên 15% vào năm 2025

Thứ 3, 20/08/2019, 09:56 GMT+7

Bắt đầu “cuộc cách mạng” phân loại rác

Phân loại rác thải tại nguồn không là cách làm mới ở TP. Đà Nẵng. Từ cách đây hơn 15 năm, trên địa bàn thành phố đã có dự án thí điểm phân loại rác thải tại nguồn trong khu dân cư ở phường Nam Dương (quận Hải Châu). Tuy vậy, do khâu giải quyết đầu ra của rác tài nguyên sau phân loại không được thực hiện tốt nên dự án thí điểm phải dừng lại. Gần đây, một số phường thuộc 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Sơn Trà đã bắt thí điểm phân loại rác thải tại nguồn với công việc chính là tách rác tài nguyên để đem bán lấy kinh phí thực hiện công tác an sinh xã hội.

Mục tiêu: tỷ lệ chất thải rắn được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025

Để giảm áp lực về chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, tháng 4/2019, TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn thành phố đến năm 2025 với mục tiêu phấn đấu là tỷ lệ chất thải rắn được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025. Với kế hoạch đã ban hành, trước mắt, các hộ gia đình sẽ được cấp phát các tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền, túi đựng rác tài nguyên. Khu dân cư được trang bị thùng rác nguy hại theo đúng quy định. TP. Đà Nẵng sẽ trang bị thùng rác 2 ngăn/3 ngăn tại các khu vực công cộng, một số tuyến đường cảnh quan. Các phương tiện, trang thiết bị còn lại do chính đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom rác tái chế hoặc đơn vị thực hiện dịch vụ vệ sinh môi trường tự trang bị. Đồng thời, thành phố sẽ huy động nguồn lực, sự tham gia trực tiếp từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, đồng hành với kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn.

Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng: mua "rác tài nguyên"

Bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu - Trưởng Phòng Kỹ thuật (Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng) cho biết, để phục vụ việc phân loại rác thải tại nguồn trên toàn thành phố, Công ty đã xây dựng các phương án thu gom từng loại rác tài nguyên, rác thải xây dựng và rác thải có kích thước lớn. Theo đó, đối với rác tài nguyên sau phân loại, nếu giao cho Công ty thu gom, sẽ tiến hành thu gom và đưa về các điểm tập kết. Chi phí thu gom, vận chuyển sẽ do Công ty cân đối, không tính phí thu gom và vận chuyển. Công ty đang đề nghị mua lại rác tài nguyên từ các hộ dân và Chi hội Phụ nữ khu dân cư với giá bằng 90% giá thị trường rồi được công nhân thu gom bằng xe ba-gác hoặc các loại xe tải nhỏ vận chuyển đến các cơ sở thu mua tiêu thụ; hoặc công ty mua rác tài nguyên từ các hộ dân, Chi hội Phụ nữ theo giá của các cơ sở thu mua rồi thu gom đưa về các trạm trung chuyển để tiếp tục phân loại, đóng gói và chở đi bán cho các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất tái chế…

Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt toàn thành phố hiện nay có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây, đó là ý thức, nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, người dân đối với công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến, sẵn sàng chung tay với chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể, chính quyền các cấp cũng sẵn sàng vào cuộc cùng thành phố để đem lại môi trường sống xanh, sạch cho chính mình.

“Hiện nay, Sở TN&MT Đà Nẵng đang thuê một công ty tư vấn giải quyết bài toán thu gom, vận chuyển, xử lý rác thành tài nguyên; một công ty chuyên làm quảng bá để xây dựng kế hoạch tuyên truyền. Vì thế, rất mong các đơn vị, địa phương và người dân ủng hộ thực hiện phân loại rác tại nguồn. Chắc chắn, việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn sẽ thành công ít nhất là 80% so với mục tiêu, 20% còn lại sẽ được điều chỉnh, bổ sung để thực hiện cho phù hợp”, ông Tô Văn Hùng nhấn mạnh.

TP. Đà Nẵng thực hiện phân loại rác thải tại nguồn từ tháng 7/2019

Hướng đến xử lý rác thành điện năng

Trong thời gian dài, khu vực bãi rác Khánh Sơn - bãi chôn lấp rác duy nhất của TP. Đà Nẵng là một trong những điểm nóng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân. Mặc dù, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp kiềm chế, nhưng vẫn chưa bảo đảm tiêu chuẩn của một bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh.

Mới đây, TP. Đà Nẵng đã đồng ý về mặt chủ trương cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam được nâng cấp công nghệ và liên doanh để triển khai xây dựng, nâng cấp nhà máy xử lý rác thải tại bãi rác Khánh Sơn theo công nghệ công nghệ tiên tiến (đốt rác phát điện) với công suất đốt rác 650 tấn/ngày. Hiện, Công ty đang triển khai các bước đầu tư, xây dựng dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2021.

Một chủ trương quan trọng khác đã được UBND TP. Đà Nẵng thống nhất là đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực còn lại của bãi rác Khánh Sơn để kêu gọi đầu tư một nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công suất đốt rác 1.000 tấn rác/ngày, một lò đốt rác y tế và công nghiệp, một hệ thống xử lý phân bùn bể phốt bảo đảm tiêu chuẩn. Như vậy, nếu thực hiện sớm, khoảng năm 2025, TP. Đà Nẵng có 2 nhà máy xử lý rác tại Khánh Sơn với công suất 1.650 tấn rác/ngày đêm, cơ bản có thể giải quyết được lượng rác thải hàng ngày.

Trước những lo ngại của người dân về công nghệ xử lý rác, ông Tô Văn Hùng cho biết, quá trình triển khai nhà máy đốt rác phát điện phải đảm bảo các tuân thủ các quy định của pháp luật, như thẩm định công nghệ, phải được Bộ TN&MT thẩm định hoặc Bộ Công Thương cho phép bổ sung vào kế hoạch đấu nối điện. Nhà máy đốt rác phát điện hay bất cứ nhà máy xử lý rác nào thành phố kêu gọi đầu tư đã thống nhất, đề xuất công nghệ xuất xứ từ các nước Châu Âu với những tiêu chí bảo đảm theo tiêu chuẩn được kiểm tra đẩy đủ, rõ ràng, nghiêm ngặt.

Nguồn: http://www.monre.gov.vn

Ý kiến bạn đọc